TNTT-Phúc Hà là một trong những khai trường khai thác và bãi đổ thải lớn nhất của mỏ than Khánh Hòa nằm trên đất Thái Nguyên. Cạnh chân “núi” thải than khổng lồ có độ cao từ 200 đến 300 m hiện có gần 100 hộ dân đang sinh sống. Hiểm nguy luôn rình rập, treo lơ lửng ngay trên đầu các hộ dân này khi mùa mưa bão đang đến, trong khi, phương án di dời vẫn chưa được tính đến…
Anh Đặng Văn Cảnh (bên trái) người xã Phúc Hà, nhà có tới ba sào ruộng bị thu làm bãi đổ thải than, chờ mót than dưới chân núi.
Thấp thỏm bên chân “núi”
Chỉ cách trung tâm TP Thái Nguyên chưa đầy mười cây số, nhưng đến xã Phúc Hà như lạc vào miền đất lạ. Đường vào xã nhiều đoạn lầy lội phủ một mầu đen của bùn than. Dọc đường chúng tôi gặp những người mót than trùm khăn kín mặt, chỉ lộ đôi mắt sáng. Một cảm giác gờn gợn khi đặt chân vào khu bãi thải phía tây. Trước mặt, hàng chục ngôi nhà bị bỏ hoang bên sườn núi sau di dân, đổ nát, cây cối mọc um tùm.
Những ngôi nhà ở xóm 13 trông bé nhỏ nằm sát núi thải than khổng lồ. Ngồi ở phòng khách nhà ông Hoàng Văn Năm, nơi cách núi thải than chưa đầy 100 m, cứ khoảng mười phút lại nghe tiếng ầm ầm từ xe tải đổ hàng tấn đất đá chảy trôi ào ào xuống tận chân núi. Ngày ba ca, các đoàn xe nối đuôi nhau đổ đất đá rầm rập. Song không chỉ chịu đựng tiếng ồn, ô nhiễm từ bụi, điều người dân nơi đây lo lắng nhất là nguy cơ sạt lở.
Nỗi khổ mà những hộ dân nơi đây từng trải qua nhiều năm nay còn là sự cô lập sau mỗi trận mưa to. Ông Hoàng Vĩnh Long, 63 tuổi, sinh sống nơi này từ năm 1968, cho biết, nhiều năm nay, chỉ cần những trận mưa to kéo dài 3 - 4 tiếng thì nhiều hộ gia đình nằm bên con suối (nay đã bị san lấp) bị cô lập hoàn toàn, do con đường cạnh chân núi thải than ngập úng không vào ra được. “Xã có sắm cho các hộ gia đình khu này một cái xuồng để chở các cháu học sinh đi học những ngày mưa lũ. Nhưng sợ nguy hiểm nên mưa to trận nào gần như lũ trẻ trong xóm đều phải nghỉ học”- ông Lê Ngọc Hưng, Phó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Phúc Hà cho biết.
Những hộ dân cận kề nhà ông Năm, như nhà bà Nguyễn Thị Kim, anh Hoàng Vĩnh Vệ, nhiều năm nay cũng sống trong nỗi lo sợ núi sạt lở. Nhà anh Vệ ở vị trí thấp nên mỗi trận mưa to thường bị ngập nước tới cửa sổ. Chỉ tay về phía con đường trước nhà mình, anh cho biết: Nơi đó từng có con suối đẹp, hiền hòa chảy ngang. Suối không chỉ cung cấp nước cho ruộng vườn mà còn giúp tiêu thoát nước mùa mưa lũ. Vậy nhưng, từ năm 2012 bãi thải than ngày một lấn dần lấp suối, hậu quả là mỗi lần mưa nước từ các nơi đổ về không có đường thoát, gây úng ngập.
Núi thải than chỉ còn cách góc sân nhà ông Hoàng Văn Năm chưa đầy 100 mét.
Nhà anh Vệ và các hộ lân cận sống lâu đời nơi này, cuộc sống trước đây chủ yếu dựa vào đồng ruộng. Khi bãi thải than mỗi năm một mở rộng, ruộng canh tác của họ dần bị thu hẹp. Nhà anh nay ruộng không còn nên phải làm nghề bốc đá thuê. “Ruộng hết, nhiều người phải chuyển sang làm nghề bốc đá thuê như tôi, thậm chí phải đi mót than. Mỗi ngày họ chờ đợi dưới chân núi, nơi có những chiếc xe tải đang đổ thải để tìm nhặt những hòn than còn sót lại trong đống đất đá. Công việc tiềm ẩn tai nạn do nguy cơ sạt lở. Nhưng vì mưu sinh, mỗi ngày kiếm được từ 100 đến 200 ngàn nên họ vẫn làm”, anh Vệ ngậm ngùi. Phải chịu cảnh “sống treo” ở mảnh đất cha ông để lại - chưa được di dời, nhưng cũng không được phép xây dựng mới nhà cửa, lòng anh thấy xót xa. Mong muốn của anh cũng như của những hộ lân cận là sớm được chuyển đến vùng đất mới, nơi có ruộng có đồi để trồng chè cấy lúa. Trong lúc chờ đợi, họ vẫn phải thấp thỏm từng ngày với bao hiểm nguy rình rập.
Nguy cơ tiềm ẩn
Hiện nay tại tỉnh Thái Nguyên, ngoài mỏ than Khánh Hòa còn nhiều mỏ khác như Phấn Mễ, Núi Hồng cũng trong tình trạng tương tự. Có lẽ, người dân sinh sống dưới chân núi bãi thải mỏ than Khánh Hòa, Núi Hồng mới thật sự thấy bất an khi sự cố sạt lở bãi thải của mỏ than Phấn Mễ thuộc xóm Khuôn I, xã Phục Linh (huyện Đại Từ) xảy ra ngày 15-4-2012. Ở thời điểm xảy ra sự cố đó, hàng triệu m3 đất đá đã vùi lấp sáu người dân và 14 ngôi nhà sát chân núi. Sau sự cố này, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo phải lập kế hoạch di dời những hộ dân sống tại khu vực chân bãi đổ thải của các mỏ than trong tỉnh, nhất là những hộ dân được đánh giá là nằm trong vùng cực kỳ nguy hiểm của bãi thải.
Phúc Hà là một trong những khai trường khai thác và bãi đổ thải lớn nhất của mỏ than Khánh Hòa. “Diện tích đất xã Phúc Hà rộng 6,48 km2 nay bãi đổ thải than đã chất thành núi, và chiếm trọn gần 3 km2 đất của địa phương”- ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Hà cho biết. Khi mở rộng bãi đổ thải phía nam (thuộc Dự án GPMB phục vụ đổ thải giai đoạn II), mỏ than Khánh Hòa xin thu hồi 27,2 ha đất tại xã Phúc Hà với tổng số 224 hộ dân bị ảnh hưởng và nhiều cơ quan hành chính của xã Phúc Hà phải di dời vì nguy cơ sạt lở bãi thải. Đến hết quý I-2015, chủ đầu tư đã bàn giao trụ sở công trình cho các cơ quan hành chính xã Phúc Hà và ba trường học đi vào hoạt động ổn định, giao đất tái định cư cho 64 hộ trong diện phải di dời có nhu cầu xin đất tái định cư.
Theo ông Bùi Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa, mỏ than Khánh Hòa tính đến nay đã có 66 năm hoạt động khai khoáng. Hiện nay, với công suất khai thác cho phép lên 800 nghìn tấn than sạch/năm, mỏ có hai bãi đổ thải nằm trên địa bàn xã Phúc Hà và xã An Khánh (huyện Đại Từ) rộng 200 ha. Để giải quyết di dời những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm của bãi đổ thải, công ty đã xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân thuộc diện phải di dời nằm ở xã Phúc Hà và phường Tân Long (TP Thái Nguyên). Nhiều hộ dân đang được xem xét đền bù để di dời. Ngoài việc triển khai nghiêm túc chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật khi thu hồi đất, Công ty than Khánh Hòa cũng tính toán để đền bù, hỗ trợ sản lượng cho người dân vùng phụ cận khi đất sản xuất bị ngập úng, khô hạn (nguyên nhân do hoạt động khai khoáng)… và cam kết khi hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả sẽ có nhiều điều kiện để thúc đẩy, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương phát triển kinh tế và thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phúc Hà có gần 100 hộ dân hiện đang sinh sống cách chân núi thải than khoảng cách từ 100 đến 200 m, rất khó để di dời đến nơi ở mới trong ngày một ngày hai. Chưa kể, nhiều đoạn đường dân sinh nằm cạnh bãi đổ thải, nếu mưa lũ rất khó lường. Điều đáng nói, theo quy hoạch các bãi đổ thải có độ cao từ 190m, nhưng nay ở Phúc Hà bãi thải than này có nơi chất cao tới 300 m. Dù đã đề nghị phía cơ quan chức năng có những đánh giá về những nguy cơ tiềm ẩn của bãi thải than, tác động đối với người dân, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận nào chính thức được công bố, rằng các bãi thải đó có bảo đảm an toàn hay không.
Trước những diễn biến bất thường về thời tiết như hiện nay, việc người dân sinh sống ở khu vực chân các núi thải than là hết sức nguy hiểm. Bởi vậy, chính quyền và người dân nơi đây mong đợi ngành than phải nhận diện được nguy cơ, để xúc tiến các biện pháp bảo đảm an toàn kịp thời cho người dân.
Năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Khai thác lộ thiên mỏ Khánh Hòa” (cải tạo mở rộng), với tổng diện tích khai trường của dự án là 178,03 ha. Thời hạn khai thác mỏ đến hết năm 2037. Trong quyết định phê duyệt ghi rõ: Khối lượng đá thải từ 1.430.000 m3/năm đến 9.334.000 m3/năm.
Nhiều người dân Phúc Hà cho rằng, Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nên cho phép các tổ hợp tác, đội sản xuất, doanh nghiệp ở các địa phương phụ cận khu vực mỏ sử dụng lượng đất, đá thải với khối lượng vài trăm triệu mét khối để sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Như vậy, sẽ vừa tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động bị thu hồi đất phục vụ các dự án mở rộng của mỏ than Khánh Hòa, một mặt giảm áp lực về mặt bằng đổ thải.
(Theo :báo nhân dân)