Nếu ai từng ăn bánh cuốn trứng vùng Cao Ngạn hẳn sẽ không quên được vị ngọt của nước hầm xương, bánh cuốn mềm và trứng gà ốp lòng đào béo ngậy.
Cao Ngạn là một xã thuộc huyện Đông Hỷ, phía bắc thành phố Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 3 km. Trên đoạn quốc lộ 1B đi qua xã miền núi Cao Ngạn, bạn hãy dừng chân vào một quán ven đường để thưởng thức hương vị bánh cuốn rất đặc trưng nơi đây.
Bánh cuốn là món ăn được ưa chuộng nhất mỗi buổi sáng ở xã Cao Ngạn. Không giống như bánh cuốn ở Hà Nội, nét đặc biệt riêng khác của món ăn nằm trong phần nước chấm. Thay bằng bát nước chấm mắm thông thường, người Cao Ngạn ăn với nước hầm xương thanh ngọt. Món ăn bao gồm 2 đến 3 chiếc bánh cuốn mỏng, một quả trứng gà và thịt lợn cuốn lá lốt thay cho chả, mà theo lời chủ quán, "vừa đầy đủ dưỡng chất, vừa ấm bụng những ngày đông, ăn vào là tỉnh người ngay".
Kỹ thuật tráng cũng cần chú ý để bánh mỏng và dai. Ảnh: Phương Nam.
|
Một chủ quán ở đây với 15 năm kinh nghiệm chia sẻ, gạo làm bánh là thứ gạo ngon ở địa phương, có thể để vài ngày mà không bị chua. Gạo ngâm trong khoảng 2 ngày cho mềm mới đem xay, do gạn nước bột thường xuyên nên bánh luôn mềm, dẻo nhưng vẫn dai.
Khi có khách tới ăn, chủ quán nhanh tay múc bột láng thật mỏng trên mặt nồi, bánh vừa chín tới, chị liền giở nắp vung ra cuốn bánh trên chiếc nẹp cho ra ngoài, rắc nhân thịt mộc nhĩ và cuộn lại, cắt cho vào bát tô. Sau khoảng 2 đến 3 lượt tráng bánh, chủ quán đập một quả trứng gà ốp riêng, chỉ đậy nắp lại chừng 30 giây để trứng đỏ đào bên trong, sau đó dùng một chiếc đũa tre dẹp khéo léo lật từng góc mép lòng trắng lại vuông vắn ôm lấy lòng đỏ.
Sau khi có bánh, trứng ốp, chị cho vào bát vài miếng chả cuốn lá lốt vào góc bát, cuối cùng chan nước hầm xương và rắc rau thơm, hành phi lên trên, bưng ra mời khách.
Bát bánh cuốn có nét giống với cách ăn bánh đúc của người Hà Nội. Một suất ăn rất đầy đặn thế nàycó giá 15.000 đồng. Ảnh:Phương Nam.
|
Nước dùng là nước ninh xương, sánh, có vị béo đậm đà mà vẫn cho cảm giác dịu ngọt của xương hầm ở đầu lưỡi. Bát bánh ấy sẽ không thể tròn vị nếu thiếu hành khô và một chút lá rau mùi thái nhỏ. Điều thú vị là người dân ở đây không ăn chanh tươi, cũng không ăn ớt khi dùng món này, bởi sẽ làm mất vị ngọt tự nhiên của các thành phần. Nhưng bù lại, bát bánh cuốn lại tràn trề thịt, trứng và mùi thơm quện hòa của các loại gia vị không lẫn vào đâu được.
Người Thái Nguyên khi xa quê thường nhớ về món bánh cuốn nóng, nhất là những ngày mùa đông lạnh giá, được xì xụp thứ nước đậm đà, cảm nhận vị trứng vỡ tan ra trong miệng, vị chả lá lốt thơm lừng và bánh cuốn mềm ấy là cả một nỗi nhớ da diết. Với những vị khách thập phương khi có dịp ghé qua đây, dù chỉ một lần nếm thử nhưng cũng không dễ gì quên được cái hồn ẩm thực bình dị rất riêng của đất và người nơi đây.
0 Nhận xét
Post a Comment