Chào mừng các bạn ghé thăm blog Thái Nguyên tin tức, trang tin được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau về đất và người Thái Nguyên yêu dấu!

Hàn Quốc:Hàng trăm công nhân Samsung mắc bệnh ung thư chết người

Theo Banolim, tính đến cuối năm ngoái có đến 221 công nhân Samsung bị ung thư và bệnh hiếm gặp sau thời gian làm việc cho hãng này, trong đó 75 người đã tử vong.

Cuộc chiến trường kỳ của những nạn nhân xấu số
Theo Banolim, nhóm vận động chủ yếu cho các công nhân nhiễm bệnh, trong số 221 công nhân Samsung bị ung thư, và bệnh hiếm gặp sau thời gian làm việc tại hãng này, tính đến cuối năm ngoái, 75 người đã tử vong. 
Điển hình nhất là trường hợp con gái của ông Hwang Sang-gi là Yu-mi đã qua đời năm 2007 ở tuổi 22 sau thời gian làm việc và tiếp xúc với hóa chất tại nhà máy Giheung thuộc Samsung ở phía nam thủ đô Seoul. Cái chết của cô Yu làm dấy lên sự lo ngại về điều kiện làm việc của công nhân trong các nhà máy Samsung nói riêng và ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc nói chung.
Ông bố này đã trải qua cuộc đấu tranh đầy gian khổ suốt 7 năm chống lại công ty Samsung, từ chối nhận tiền để im lặng về cái chết của con gái ông nhằm làm sáng tỏ tình trạng sử dụng những chất gây ung thưtrong các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, đặc biệt là nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn.
 Yu-mi - con gái ông  Hwang Sang-gi qua đời vì bệnh máu trắng sau thời gian làm việc trong một nhà máy chất bán dẫn của Samsung.
Thêm vào đó, một người bạn cùng làm việc với Yu cũng bị mắc ung thư máu qua đời. Quá trình tranh đấu của ông Hwang để tìm hiểu lý do khiến con gái qua đời từng là nguồn cảm hứng cho bộ phim nổi tiếng được phát hành năm ngoái là phim tài liệu “Empire of Shame”  và “Another Promise”.
Hai bộ phim nhanh chóng gây được tiếng vang do đề cập đến cuộc chiến của ông Hwang và gia đình các công nhân khác từng làm việc cho Samsung, nhằm làm sáng tỏ tình trạng sử dụng những chất gây ung thư trong các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, đặc biệt là nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn.
Được biết, trong nhiều năm qua, cơ quan giám sát hoạt động bảo hiểm cho các bệnh nghề nghiệp chỉ chấp nhận bồi thường cho 3 trường hợp nhiễm bệnh vì làm việc tại công ty bán dẫn. Cơ quan này yêu cầu người đòi bảo hiểm phải chứng minh mối liên hệ rõ ràng giữa môi trường làm việc và căn bệnh của họ. Tuy nhiên, điều này gần như là không thể đối với người lao động ở Samsung, một phần do công ty không tiết lộ tất cả hóa chất được dùng khi sản xuất.
Vẫn chưa đi đến hồi kết
Theo The Guardian, ngày 12/1, Samsung và các nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân đạt được thỏa thuận ban đầu về việc triển khai biện pháp ngăn ngừa tình trạng mắc bệnh ưng thư và các bệnh hiếm gặp do tiếp xúc với hóa chất độc hại trong môi trường làm việc, sau cuộc gặp kéo dài 3 ngày giữa tập đoàn công nghệ và hai nhóm đại diện cho các nạn nhân bạch cầu tại Seoul.
Cụ thể, một tổ chức độc lập sẽ được lập ra để kiểm tra điều kiện, môi trường làm việc tại các nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn và thiết bị điện tử của Samsung, đồng thời kiến nghị các biện pháp cải thiện và có báo cáo thường kỳ về vấn đề này hướng tới mục tiêu cải thiện sức khỏe cho người lao động. 
Về phía công ty Samsung tuyên bố hôm 12/1, công ty sẽ nỗ lực hết mình để thỏa thuận này có thể áp dụng thực tế sớm nhất. Đồng thời, hãng này cũng hoan nghênh thỏa thuận này là “bước tiến ý nghĩa” để giải quyết vấn đề kéo dài liên quan điều kiện làm việc và nguy cơ mắc bệnh ung thư máu.
Tuy nhiên, đại diện Banolim không vừa lòng với quyết định này, họ sẽ “tiếp tụ chống lại Samsung, đề nghị phía Samsung có biện pháp giải quyết nốt những vấn đề còn lại”. Đến cuối cùng, cả hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về vấn đề xin lỗi và bồi thường bệnh nhân ung thư.
Hồi đầu tháng 8/2015, Samsung đã chính thức thừa nhận việc không đảm bảo an toàn cho môi trường làm việc của các công nhân tại nhà máy bán dẫn của công ty ở Hàn Quốc. Một quỹ bồi thường trị giá lên đến 85,8 triệu USD đã được công ty Hàn Quốc thành lập nhằm hỗ trợ cho các nhân viên bị bệnh bạch cầu và một số bệnh hiểm nghèo khác do làm việc trong môi trường của nhà máy. Một phần của quỹ trên sẽ được gửi tới người lao động và gia đình của họ nhằm xoa dịu tình hình, số khác sẽ được Samsung đầu tư vào việc thuê các công ty chuyên nghiệp giúp khảo sát và đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện môi trường làm việc của công nhân.
Hang tram cong nhan Samsung mac benh ung thu chet nguoi-Hinh-2
 Ông Hwang Sang-gi cầm ảnh con gái qua đời vì nhiễm bệnh sau khi làm việc ở Samsung để phản đối tập đoàn ngày 23/10. Ảnh: AP
Ông Hwang Sang-gi cũng một thành viên sáng lập Banolim, cho rằng người lao động và gia đình họ sẽ không thỉnh cầu Samsung hỗ trợ về tài chính bởi điều đó làm xao lãng vấn đề quan trọng hơn là biện pháp cải thiện điều kiện an toàn lao động. “Nếu không có biện pháp ngăn chặn, người lao động sẽ vẫn nhiễm các bệnh hiếm gặp. Và khi đó, Samsung đơn giản chỉ giải quyết mọi vấn đề bằng tiền”, ông Hwang nói.
Samsung từng bị các nhà phê bình và nhóm hoạt động chỉ trích là đã dùng tiền mua sự im lặng của gia đình các nạn nhân. Baskut Tuncak, báo cáo viên về nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết hồi tháng 10 rằng, ông "đặc biệt lo ngại" về kế hoạch bồi thường của Samsung, đang diễn ra một cách bí mật.
Theo Tuncak, dường như yêu cầu của nạn nhân về chăm sóc sức khỏe và các chi phí khác đang bị lợi dụng hòng “phá vỡ” kế hoạch điều tra xem liệu các nhà máy của Samsung có thực hiện các biện pháp ngăn rủi ro sức khỏe cho người lao động hay không.
Cũng trong năm 2015, hãng Samsung đã công khai xin lỗi những công nhân mắc các căn bệnh ung thư hiếm gặp liên quan tới các hóa chất tại các nhà máy bán dẫn của hãng khi các nạn nhân và gia đình đâm đơn kiện suốt 9 năm qua. Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Samsung, ông Kwon Oh-hyun, hứa sẽ bồi thường cho gia đình các nạn nhân, nhưng cũng nói rõ rằng, Samsung vẫn giữ quan điểm họ không chịu trách nhiệm về việc công nhân mắc bệnh hay tử vong. Trong quá khứ, Samsung đã liên tục phủ nhận mối liên hệ giữa các căn bệnh bao gồm cả bệnh bạch cầu và các chất gây ung thư trong các nhà máy của hãng
Ngọc Anh (Theo Pressian, Theguardian)
(Nguồn:Kiến thức)

Xem ngay…

Ông Vũ Hồng Bắc được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2011 - 2016

 (Thái Nguyên new)-Sáng nay 9/12, kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XII tiếp tục làm việc, đã tiến hành miễn nhiệm và bầu cử các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh.



Với hình thức bỏ phiếu kín, các đại biểu đã thực hiện việc bỏ phiếu miễn nhiệm các chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Hồng Bắc để bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016; miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Dương Ngọc Long để nghỉ công tác chờ hưởng chế độ hưu trí theo quy định; miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với bà Đoàn Thị Hảo để nhận nhiệm vụ mới làm Bí thư Thành ủy Thái Nguyên; miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với bà Ma Thị Nguyệt để nghỉ công tác chờ hưởng chế độ hưu trí theo quy định.

Các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã bầu ông Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XII, nhiệm kỳ 2011 - 2016 với tỷ lệ đạt 94,12 %; bầu ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 với tỷ lệ đạt 97,06%; bầu ông Nguyễn Khắc Lâm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Sông Công giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 với tỷ lệ đạt 86,76%; bầu ông Trịnh Việt Hùng, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 với tỷ lệ đạt 86,76%.
Ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, tân Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên là kỹ sư kinh tế nông nghiệp, và quê quán tại Quỳnh Phụ, Thái Bình.
(nguồn:báo xây dựng)
Xem ngay…

Vụ hàng loạt GĐ sở xin nghỉ chờ hưu: ‘Làm như Thái Nguyên là hơi ngược’

TNTT-Thường thì ai không đủ tuổi tái cử thì tiếp tục giữ chức vụ hiện tại, sau đó nhân sự được dự kiến nếu trúng vào tỉnh ủy thì mới bổ nhiệm.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã nhìn nhận như thế về việc hàng loạt giám đốc Sở ở Thái Nguyên làm đơn xin nghỉ chờ hưu theo các thông báo và kết luận liên quan của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh này.
Theo đó, ngày 21-9, một số báo đưa tin các giám đốc Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở NN&PTNT cùng với giám đốc Đài Truyền hình Thái Nguyên, chánh văn phòng Tỉnh ủy, giám đốc Trường Chính trị Thái Nguyên đã làm đơn xin “nghỉ chờ hưu”.
Cũng theo các bản tin này, một giám đốc sở đã nghỉ nói họ không “tự nguyện” làm đơn mà việc làm đơn này xuất phát từ một kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 3-8 về một số chủ trương chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020. Điều đáng nói, khi các giám đốc sở này có đơn xin nghỉ chờ hưu thì các sở này lập tức có giám đốc mới. Trong khi đó, ngày 3-7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã thống nhất giới thiệu một nhân sự đã hết tuổi được cơ cấu vào vị trí phó chủ tịch UBND tỉnh để HĐND tỉnh bầu giữ chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về những thông tin trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng chức danh giám đốc sở phải là nhân sự nằm trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Việc các giám đốc sở ở Thái Nguyên làm đơn xin nghỉ chờ hưu là không có gì đặc biệt. Vì chúng ta cũng có chính sách khuyến khích nghỉ hưu sớm.
Đồng tình, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương, cho rằng có thể Tỉnh ủy Thái Nguyên đã vận dụng Chỉ thị 36/CT-TW của Bộ Chính trị (về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng) trong vấn đề này. Theo đó, những người còn dưới 30 tháng công tác thì không tái cử. Và việc các giám đốc sở này xin nghỉ chờ hưu cũng là điều bình thường.
Tuy nhiên, theo ông Hương, các tỉnh khác thực hiện Chỉ thị 36 theo cách ai không tái cử thì tiếp tục giữ chức giám đốc, sau đó nhân sự được dự kiến nếu trúng vào tỉnh ủy thì mới bổ nhiệm. “Làm như Thái Nguyên là hơi ngược!” - ông Hương cho hay. “Như ở Trung ương, cũng nhiều bộ trưởng đã quá tuổi, nên không tái cử Trung ương nữa nhưng sẽ vẫn giữ chức bộ trưởng cho đến hết đại hội. Sau đại hội sẽ bổ nhiệm nhân sự bộ trưởng sau. Làm như thế sẽ ổn hơn” - ông Hương nói.
Ông Hương cũng lưu ý rằng nếu đã thực hiện Chỉ thị 36 thì cần thực hiện một cách công bằng. Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên giới thiệu một nhân sự đã hết tuổi vào vị trí phó chủ tịch UBND tỉnh, để HĐND tỉnh bầu giữ chức này là điều không công bằng đối với các giám đốc sở khác. “Tôi chưa hiểu tại sao người này lại được tái cử trong khi các người khác lại không. Nếu ông này quá tuổi mà được tái cử, trong khi các giám đốc sở khác phải nghỉ thì không đúng” - ông Hương nói.
Không tái cử, có thể thôi giữ chức danh lãnh đạo
Theo hướng dẫn số 26 ngày 18-8-2014 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, nhân sự không tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 thì thôi đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo UBND nhiệm kỳ 2011-2016 và các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước.
Riêng đối với các chức danh lãnh đạo HĐND, nếu có nhân sự thay thế là đại biểu HĐND thì thực hiện việc thay thế; trường hợp nhân sự được chuẩn bị thay thế chưa là đại biểu HĐND thì có thể để người đương nhiệm tiếp tục công tác đến hết nhiệm kỳ HĐND 2011-2016.
Xem ngay…

Tp Thái Nguyên:Tính mạng“ ngàn cân treo sợi tóc ”truyện của những hộ dân sống dưới chân núi thải.

TNTT-Phúc Hà là một trong những khai trường khai thác và bãi đổ thải lớn nhất của mỏ than Khánh Hòa nằm trên đất Thái Nguyên. Cạnh chân “núi” thải than khổng lồ có độ cao từ 200 đến 300 m hiện có gần 100 hộ dân đang sinh sống. Hiểm nguy luôn rình rập, treo lơ lửng ngay trên đầu các hộ dân này khi mùa mưa bão đang đến, trong khi, phương án di dời vẫn chưa được tính đến…
Anh Đặng Văn Cảnh (bên trái) người xã Phúc Hà, nhà có tới ba sào ruộng bị thu làm bãi đổ thải than, chờ mót than dưới chân núi.
Thấp thỏm bên chân “núi”
Chỉ cách trung tâm TP Thái Nguyên chưa đầy mười cây số, nhưng đến xã Phúc Hà như lạc vào miền đất lạ. Đường vào xã nhiều đoạn lầy lội phủ một mầu đen của bùn than. Dọc đường chúng tôi gặp những người mót than trùm khăn kín mặt, chỉ lộ đôi mắt sáng. Một cảm giác gờn gợn khi đặt chân vào khu bãi thải phía tây. Trước mặt, hàng chục ngôi nhà bị bỏ hoang bên sườn núi sau di dân, đổ nát, cây cối mọc um tùm.
Những ngôi nhà ở xóm 13 trông bé nhỏ nằm sát núi thải than khổng lồ. Ngồi ở phòng khách nhà ông Hoàng Văn Năm, nơi cách núi thải than chưa đầy 100 m, cứ khoảng mười phút lại nghe tiếng ầm ầm từ xe tải đổ hàng tấn đất đá chảy trôi ào ào xuống tận chân núi. Ngày ba ca, các đoàn xe nối đuôi nhau đổ đất đá rầm rập. Song không chỉ chịu đựng tiếng ồn, ô nhiễm từ bụi, điều người dân nơi đây lo lắng nhất là nguy cơ sạt lở.
Nỗi khổ mà những hộ dân nơi đây từng trải qua nhiều năm nay còn là sự cô lập sau mỗi trận mưa to. Ông Hoàng Vĩnh Long, 63 tuổi, sinh sống nơi này từ năm 1968, cho biết, nhiều năm nay, chỉ cần những trận mưa to kéo dài 3 - 4 tiếng thì nhiều hộ gia đình nằm bên con suối (nay đã bị san lấp) bị cô lập hoàn toàn, do con đường cạnh chân núi thải than ngập úng không vào ra được. “Xã có sắm cho các hộ gia đình khu này một cái xuồng để chở các cháu học sinh đi học những ngày mưa lũ. Nhưng sợ nguy hiểm nên mưa to trận nào gần như lũ trẻ trong xóm đều phải nghỉ học”- ông Lê Ngọc Hưng, Phó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Phúc Hà cho biết.
Những hộ dân cận kề nhà ông Năm, như nhà bà Nguyễn Thị Kim, anh Hoàng Vĩnh Vệ, nhiều năm nay cũng sống trong nỗi lo sợ núi sạt lở. Nhà anh Vệ ở vị trí thấp nên mỗi trận mưa to thường bị ngập nước tới cửa sổ. Chỉ tay về phía con đường trước nhà mình, anh cho biết: Nơi đó từng có con suối đẹp, hiền hòa chảy ngang. Suối không chỉ cung cấp nước cho ruộng vườn mà còn giúp tiêu thoát nước mùa mưa lũ. Vậy nhưng, từ năm 2012 bãi thải than ngày một lấn dần lấp suối, hậu quả là mỗi lần mưa nước từ các nơi đổ về không có đường thoát, gây úng ngập.
Núi thải than chỉ còn cách góc sân nhà ông Hoàng Văn Năm chưa đầy 100 mét.
Nhà anh Vệ và các hộ lân cận sống lâu đời nơi này, cuộc sống trước đây chủ yếu dựa vào đồng ruộng. Khi bãi thải than mỗi năm một mở rộng, ruộng canh tác của họ dần bị thu hẹp. Nhà anh nay ruộng không còn nên phải làm nghề bốc đá thuê. “Ruộng hết, nhiều người phải chuyển sang làm nghề bốc đá thuê như tôi, thậm chí phải đi mót than. Mỗi ngày họ chờ đợi dưới chân núi, nơi có những chiếc xe tải đang đổ thải để tìm nhặt những hòn than còn sót lại trong đống đất đá. Công việc tiềm ẩn tai nạn do nguy cơ sạt lở. Nhưng vì mưu sinh, mỗi ngày kiếm được từ 100 đến 200 ngàn nên họ vẫn làm”, anh Vệ ngậm ngùi. Phải chịu cảnh “sống treo” ở mảnh đất cha ông để lại - chưa được di dời, nhưng cũng không được phép xây dựng mới nhà cửa, lòng anh thấy xót xa. Mong muốn của anh cũng như của những hộ lân cận là sớm được chuyển đến vùng đất mới, nơi có ruộng có đồi để trồng chè cấy lúa. Trong lúc chờ đợi, họ vẫn phải thấp thỏm từng ngày với bao hiểm nguy rình rập.
Nguy cơ tiềm ẩn
Hiện nay tại tỉnh Thái Nguyên, ngoài mỏ than Khánh Hòa còn nhiều mỏ khác như Phấn Mễ, Núi Hồng cũng trong tình trạng tương tự. Có lẽ, người dân sinh sống dưới chân núi bãi thải mỏ than Khánh Hòa, Núi Hồng mới thật sự thấy bất an khi sự cố sạt lở bãi thải của mỏ than Phấn Mễ thuộc xóm Khuôn I, xã Phục Linh (huyện Đại Từ) xảy ra ngày 15-4-2012. Ở thời điểm xảy ra sự cố đó, hàng triệu m3 đất đá đã vùi lấp sáu người dân và 14 ngôi nhà sát chân núi. Sau sự cố này, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo phải lập kế hoạch di dời những hộ dân sống tại khu vực chân bãi đổ thải của các mỏ than trong tỉnh, nhất là những hộ dân được đánh giá là nằm trong vùng cực kỳ nguy hiểm của bãi thải.
Phúc Hà là một trong những khai trường khai thác và bãi đổ thải lớn nhất của mỏ than Khánh Hòa. “Diện tích đất xã Phúc Hà rộng 6,48 km2 nay bãi đổ thải than đã chất thành núi, và chiếm trọn gần 3 km2 đất của địa phương”- ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Hà cho biết. Khi mở rộng bãi đổ thải phía nam (thuộc Dự án GPMB phục vụ đổ thải giai đoạn II), mỏ than Khánh Hòa xin thu hồi 27,2 ha đất tại xã Phúc Hà với tổng số 224 hộ dân bị ảnh hưởng và nhiều cơ quan hành chính của xã Phúc Hà phải di dời vì nguy cơ sạt lở bãi thải. Đến hết quý I-2015, chủ đầu tư đã bàn giao trụ sở công trình cho các cơ quan hành chính xã Phúc Hà và ba trường học đi vào hoạt động ổn định, giao đất tái định cư cho 64 hộ trong diện phải di dời có nhu cầu xin đất tái định cư.
Theo ông Bùi Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa, mỏ than Khánh Hòa tính đến nay đã có 66 năm hoạt động khai khoáng. Hiện nay, với công suất khai thác cho phép lên 800 nghìn tấn than sạch/năm, mỏ có hai bãi đổ thải nằm trên địa bàn xã Phúc Hà và xã An Khánh (huyện Đại Từ) rộng 200 ha. Để giải quyết di dời những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm của bãi đổ thải, công ty đã xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân thuộc diện phải di dời nằm ở xã Phúc Hà và phường Tân Long (TP Thái Nguyên). Nhiều hộ dân đang được xem xét đền bù để di dời. Ngoài việc triển khai nghiêm túc chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật khi thu hồi đất, Công ty than Khánh Hòa cũng tính toán để đền bù, hỗ trợ sản lượng cho người dân vùng phụ cận khi đất sản xuất bị ngập úng, khô hạn (nguyên nhân do hoạt động khai khoáng)… và cam kết khi hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả sẽ có nhiều điều kiện để thúc đẩy, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương phát triển kinh tế và thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phúc Hà có gần 100 hộ dân hiện đang sinh sống cách chân núi thải than khoảng cách từ 100 đến 200 m, rất khó để di dời đến nơi ở mới trong ngày một ngày hai. Chưa kể, nhiều đoạn đường dân sinh nằm cạnh bãi đổ thải, nếu mưa lũ rất khó lường. Điều đáng nói, theo quy hoạch các bãi đổ thải có độ cao từ 190m, nhưng nay ở Phúc Hà bãi thải than này có nơi chất cao tới 300 m. Dù đã đề nghị phía cơ quan chức năng có những đánh giá về những nguy cơ tiềm ẩn của bãi thải than, tác động đối với người dân, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận nào chính thức được công bố, rằng các bãi thải đó có bảo đảm an toàn hay không.
Trước những diễn biến bất thường về thời tiết như hiện nay, việc người dân sinh sống ở khu vực chân các núi thải than là hết sức nguy hiểm. Bởi vậy, chính quyền và người dân nơi đây mong đợi ngành than phải nhận diện được nguy cơ, để xúc tiến các biện pháp bảo đảm an toàn kịp thời cho người dân.
Năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Khai thác lộ thiên mỏ Khánh Hòa” (cải tạo mở rộng), với tổng diện tích khai trường của dự án là 178,03 ha. Thời hạn khai thác mỏ đến hết năm 2037. Trong quyết định phê duyệt ghi rõ: Khối lượng đá thải từ 1.430.000 m3/năm đến 9.334.000 m3/năm.
Nhiều người dân Phúc Hà cho rằng, Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nên cho phép các tổ hợp tác, đội sản xuất, doanh nghiệp ở các địa phương phụ cận khu vực mỏ sử dụng lượng đất, đá thải với khối lượng vài trăm triệu mét khối để sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Như vậy, sẽ vừa tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động bị thu hồi đất phục vụ các dự án mở rộng của mỏ than Khánh Hòa, một mặt giảm áp lực về mặt bằng đổ thải.
(Theo :báo nhân dân)
Xem ngay…

Phú Bình:Bất minh trong việc thi công đường Cầu Mây-Thác Huống.

TNTT-Dù chưa có sự đồng ý chính thức của chủ đầu tư nhưng nhà thầu thi công đã tiến hành biện pháp thi công lớp mặt đường bê tông theo phương pháp do đơn vị này sáng tạo ra.
Vết nứt tại công trình do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Nam thi công
Công trình vừa thi công xong đã nứt nhưng được nhà thầu giải thích là khe lún
Ngày 11/9/2015 trao đổi với PV Báo Điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Quốc Trường- Trưởng BQL các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Phú Bình thừa nhận: Phản ánh của bạn đọc về việc kè đê do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Nam thi công vừa làm xong đã có một số chỗ bị nứt là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, ông Trường cũng cho biết thêm là công trình này mới nghiệm thu từng phần, chưa đưa vào sử dụng vì thế trách nhiệm vẫn thuộc về nhà thầu.
Tìm hiểu, PV Báo Điện tử Xây dựng được biết: Nhằm đảm bảo giao thông thuận lợi, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của các xã miền núi phía Bắc huyện Phú Bình, gồm các xã Bảo Lý, Đào Xá, Bàn Đạt và Đồng Liên… ngày 31/10/2012 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký Quyết định số 2507/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Cải tạo, sửa chữa tuyến đường Cầu Mây-Thác Huống huyện Phú Bình (đoạn km0- km5+500) tỉnh Thái Nguyên.
Theo Quyết định kể trên, công trình có tổng mức đầu tư gần 22 tỷ đồng trong đó vốn ngân sách tỉnh 70%, còn lại là ngân sách huyện và nguồn huy động khác. UBND huyện Phú Bình được giao làm chủ đầu tư dự án.
Sau khi gói thầu số 1 của dự án (đoạn km0- km3) hoàn thành xây lắp, bàn giao và đưa vào sử dụng, ngày 05/11/2013 Chủ tịch UBND huyện Phú Bình đã ký Quyết định số 4946/QĐ-UBND phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu xây lắp số 2 công trình: Cải tạo, sửa chữa tuyến đường Cầu Mây-Thác Huống huyện Phú Bình (đoạn km3- km5+500) tỉnh Thái Nguyên. Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Nam- Công ty CP Minh Trâm có trụ sở tại TP Thái Nguyên là đơn vị trúng thầu với giá trị gần 8 tỷ đồng.
Văn bản “tuýt còi” của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Bình
Rất nhanh chóng, cùng trong ngày 05/11/2013 Hợp đồng số 11/HĐXD giữa đại diện nhà thầu và đại diện Chủ đầu tư đã được ký kết. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, do năng lực về vốn của nhà thầu còn hạn chế nên công trình đáng lý phải hoàn thành sau 205 ngày kể cả ngày lễ và ngày nghỉ đã không thể thực hiện được và đến nay cũng chưa ai chắc chắn chốt được thời điểm hoàn thành.
Gần 2 năm kể từ ngày ký hợp đồng, ngày 01/8/2015, với lý do đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Nam- có văn bản đề nghị chủ đầu tư chấp thuận biện pháp thi công lớp mặt đường bê tông theo phương pháp do đơn vị này sáng tạo ra.
Dù chưa được phép của chủ đầu tư bằng văn bản, nhưng ngày 15/8/2015 một nhà thầu trong liên danh là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Nam đã tiến hành thi công công trình với chiều dài khoảng 30m.
Ngay lập tức, việc làm trên của nhà thầu thi công công trình là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Nam đã bị phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Bình “tuýt còi” bằng Văn bản số 304/CV-KTHT ngày 17/8/2015.
Văn bản nêu rõ: “Đối chiếu với các tiêu chuẩn, quy trình thi công mặt đường bê tông xi măng hiện hành, phòng Kinh tế và Hạ tầng thấy quy trình thi công mặt đường bê tông xi măng trộn bằng thùng và đảo bằng máy xúc của Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Nam- Công ty CP Minh Trâm (đơn vị thi công công trình) không phù hợp với quy định trong các tiêu chuẩn hiện hành”.
Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND huyện Phú Bình tại Văn bản số 558/UBND-KTHT ngày 17/8/2015, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Nam và tư vấn giám sát đã giải trình việc thi công 30m chiều dài trên dự án là “thi công thử nghiệm”.
Văn bản đề nghị lộ rõ kiểu làm “tiền trảm hậu tấu” của BQL các dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Bình
Thêm một Văn bản khiến BQL các dự án đầu tư và xây dựng huyện Phú Bình bị lộ tẩy vai trò đạo diễn hòng “qua mặt” cơ quan chức năng và công luận
Vì đã gọi là thi công thử nghiệm, nên phải chờ kết quả kiểm định bởi nếu không đảm bảo buộc nhà thầu phải thay đổi biện pháp thi công. Và trên thực tế, mãi đến ngày 29/8/2015 Phòng Thí nghiệm LAS-XD 26 thuộc Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Thái Nguyên mới có Báo cáo kết quả ép mẫu khoan bê tông theo đề nghị tại Công văn số 182/CV-BQLDA ngày 19/8/2015 của Ban Quản lý các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Phú Bình.
Tại văn bản này, Trưởng Ban Ban Quản lý các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Phú Bình nêu rõ mục đích đề nghị là: “Để có căn cứ báo cáo chủ đầu tư quyết định, Ban Quản lý các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Phú Bình đề nghị Trung tâm KĐCLXD Thái Nguyên giúp đỡ tổ chức kiểm định chất lượng thử nghiệm đổ bê tông bằng phương pháp như trên bằng mẫu tại hiện trường”.
Điều bất thường và khó hiểu là, trước đó- ngày 18/8/2015- trong Văn bản số 179/CV-BQLDA Ban Quản lý các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Phú Bình đã chính thức “đề nghị UBND huyện xem xét cho phép nhà thầu được thi công bê tông mặt đường công trình theo phương pháp thi công bê tông thủ công như trên”.
Dư luận tại địa phương cho rằng việc sáng tạo phương pháp thi công bê tông thủ công của nhà thầu nhằm đảm bảo tiến độ công trình là đáng khích lệ. Tuy nhiên việc tổ chức thử nghiệm khi chưa có sự đồng ý chính thức của chủ đầu tư là việc làm trái với quy định hiện hành. Trong khi đó với trách nhiệm là đại diện cho Chủ đầu tư Ban Quản lý các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Phú Bình phải hiểu rõ quy định và tuân thủ các bước trong quy trình. Trái lại, Ban này lại có hành vi “tiền trảm hậu tấu” và điều đó đã bị phát lộ từ chính các văn bản được đơn vị này lập nên mà dư luận cho rằng “làm để hợp thức sai phạm”!
Trong một diễn biến khác, bà Nguyễn Thị Trâm- Giám đốc Công ty CP Minh Trâm, một đại diện trong liên danh trúng thầu gói thầu xây lắp số 2 công trình: Cải tạo, sửa chữa tuyến đường Cầu Mây-Thác Huống huyện Phú Bình (đoạn km3- km5+500) tỉnh Thái Nguyên cùng với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Nam cho biết: Đến thời điểm này (ngày 14/9/2015- PV) Công ty CP Minh Trâm cũng chưa được nhận mặt bằng để thi công công trình; và công ty cũng không được biết đến việc tổ chức “thi công thử nghiệm” nói trên.
Vậy có hay không việc “làm để hợp thức sai phạm” trong liên minh giữa nhà thầu Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Nam với tư vấn giám sát và Ban Quản lý các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Phú Bình để hòng “qua mặt” cơ quan chức năng và công luận?
(Theo tin:Báo Điện tử Xây dựng )
Xem ngay…

Thanh niên Thái Nguyên cùng thanh niên cả nước nô nức tòng quân

TNTT-Ngày 7 và 8/9/2015, hoạt động giao nhận quân đợt 2 - năm 2015 tiếp tục được triển khai tại các địa phương trên cả nước, với hàng nghìn thanh niên nô nức lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ công dân với Tổ quốc.


Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tặng hoa động viên các tân binh lên đường nhận nhiệm vụ. Ảnh: Thu Hằng – TTXVN.

Quang cảnh Lễ giao nhận quân đợt 2 tại Thái Nguyên. Ảnh: Thu Hằng – TTXVN.
Các tân binh sẽ được bàn giao cho 5 đơn vị là: Lữ đoàn 144- Bộ Tổng tham mưu; Trung đoàn 12 Sư đoàn 3 Quân khu I (QK I); Trung đoàn 246 Sư đoàn 346 - QK I; Lữ đoàn 210 - QK I và Lữ đoàn 382 - QK I. Ảnh: Thu Hằng - TTXVN

Bịn rịn trước khi lên đường trong lễ giao, nhận quân tại huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Kiểm tra quân số, căn dặn tân binh trước khi lên đường trong lễ giao, nhận quân tại huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN 

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự Tây Ninh động viên thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Niềm vui của một tân binh lên đường đi nhập ngũ đợt 2 năm 2015 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Niềm vui lên đường nhập ngũ đợt 2 năm 2015 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

750 thanh niên của TP. Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) lên đường nhập ngũ. Ảnh: Quách Lắm-TTXVN

Tỉnh Long An có 750 thanh niên lên đường nhập ngũ trong đợt này. Ảnh: Thanh Bình - TTXVN 

Lãnh đạo tỉnh Long An tặng hoa thanh niên nhập ngũ. Ảnh: Thanh Bình - TTXVN

Tân binh quận Cái Răng (TP. Cần Thơ) nô nức lên đường nhập ngũ. Ảnh: Duy Khương - TTXVN
(Tổng hợp:TTXVN/Tin Tức)
Xem ngay…

Sản xuất công nghiệp Thái Nguyên tăng trưởng ngoạn mục

TNTT- Thái Nguyên đứng đầu trong các địa phương về mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 193,6%.
Động lực chính cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên là do nhà máy Samsung Thái Nguyên tiếp tục bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh.
Bộ Công Thương cho biết, sau 8 tháng, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng. Tháng 8/2015, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 9% so với cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng, IPP tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn rất nhiều so với mức tăng của cùng kỳ một số năm gần đây.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,4%; ngành khai khoáng tăng 8%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,4%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 6,9%.
Thái Nguyên đứng đầu trong các địa phương về mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 193,6%. Động lực chính cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên là do nhà máy Samsung Thái Nguyên tiếp tục bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh.
Xếp sau Thái Nguyên là Quảng Nam tăng 34,8%; Hải Phòng tăng 14,8%; Đà Nẵng tăng 13,2%; Hải Dương tăng 10%...
Song song với mức tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục xu hướng tăng trưởng khá với 13,3%. Đây là động lực lớn cho sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới.
Trong 8 tháng năm 2015, Bộ Công Thương đã triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp đề ra trong Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Qua đó đã có những tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ xu hướng tăng trưởng khá so với cùng kỳ của 2 năm gần đây.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính và có đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Tình hình tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2014. Tiêu thụ tăng trưởng khá, tồn kho ở mức thấp hơn so với cùng kỳ, là những dấu hiệu tích cực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
(Tổng hợp:báo điện tử chính phủ)
Xem ngay…

Đại Từ:Dự án Núi Pháo gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng,người dân lập lán trại phản đối.

TNTT-Những ngày tháng 9 lịch sử này, tại Dự án Núi Pháo ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nhiều người dân địa phương tiếp tục lập lán trại, căng khẩu hiệu phản đối gay gắt hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của người dân nơi đây.
Có mặt tại hiện trường, PV Báo điện tử Xây dựng đã được bà con cung cấp nhiều thông tin liên quan. Theo đơn đề nghị ghi ngày 31/8/2015, các hộ dân nêu rõ: Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc chấp thuận cho Cty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo triển khai dự án, các hộ dân đều nhất trí ủng hộ. Tuy nhiên, sau khi đầu tư xây dựng, và đi vào khai thác đến nay các hộ dân vẫn chưa nhận được đầy đủ các khoản tiền đền bù cũng như đất để tái định cư, ổn định cuộc sống. Trong khi đó, do nhà máy sản xuất nằm liền kề với nhà ở nên bụi, không khí, nước bị ô nhiễm nặng nề khiến người dân phải gánh chịu hằng ngày, kéo dài nhiều năm qua. Một số hộ có người già, con trẻ thuộc xóm 3 và 4 xã Hà Thượng đã phải di chuyển nhà ở đi chỗ khác… nhưng phần đông vẫn phải bám trụ vì không biết đi đâu.
Bà Lê Thị Chinh - một cư dân tại xóm 4 xã Hà Thượng - bức xúc: Ô nhiễm không khí, nguồn nước tại khu vực này không phải ô nhiễm thông thường đâu các nhà báo ạ, mà trong đó có rất nhiều hóa chất. Chúng tôi không biết đó là hóa chất gì nhưng mỗi khi nó thải ra thì kể cả đã bịt mũi bằng khăn hay khẩu trang cũng vẫn thấy mùi, không chịu được…
Bà Nguyễn Thị Nghĩa - cũng ở xóm 4 xã Hà Thượng - cho biết: Sáng 04/5/2015 có một ô tô đến hút nước thải tại ruộng nhà bà. Ngày hôm sau bà đã báo cáo xã xuống lập biên bản, với sự chứng kiến của lãnh đạo xã cho thấy “diện tích cỏ bị chết trên ruộng là khoảng 200m, số cây keo còn lại vẫn còn tươi, chưa có hiện tượng gì, trong ruộng vẫn còn vũng nước có màu đen - đỏ, có mùi hôi thối”.
Dẫn chúng tôi đi thực địa, bà con nhân dân đã chỉ ra rất nhiều điểm nghi ngờ về cách xử lý môi trường theo hình thức đối phó - che mắt cơ quan chức năng của Cty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Dự án Núi Pháo được xem là dự án về khoáng sản lớn tại Việt Nam và cũng là nhà sản xuất vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, do Cty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo - dự án khai mỏ đầu tiên của Masan Resources (Cty con của Tập đoàn Masan) thực hiện.
Với nguồn lực tài chính mạnh, công nghệ hiện đại, dự án Núi Pháo hứa hẹn sẽ trở thành hình mẫu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư và phát triển cộng đồng.
Thế nhưng, đằng sau của sự hoành tráng ấy là một cuộc sống khốn khổ của những người dân trong vùng ảnh hưởng đã và đang phải gánh chịu. Trước hết, đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày một cao, mà nguyên nhân từ chính các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại đây.
Hơn một năm trước, ngày 25/04/2014, Báo điện tử Xây dựng đã có bài viết phản ánh cuộc sống khốn khổ của người dân trong ô nhiễm môi trường của toàn bộ dân cư thuộc các xóm 2, 3, 4 với khoảng 300 hộ dân thuộc xã Hà Thượng, huyện Đại Từ.
Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng - Sở TN&MT Thái Nguyên ngày 17/3/2014 cho thấy: Mẫu nước thải tại hồ PTP (hồ chứa nước moong, nước thải nhà máy ST) chỉ tiêu Hg vượt 17,53 lần so với QCVN 40:2011/BTNMT; mẫu nước thải trên hồ STC có chỉ tiêu Hg vượt 6,95 lần so với QCVN 40:2011/BTNMT; mẫu nước thải tại hồ lắng SP chảy ra môi trường có chỉ tiêu Hg vượt 9 lần so với QCVN 40:2011/BTNMT…
Qua sự việc này Báo điện tử Xây dựng một lần nữa đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên sớm vào cuộc, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp dứt điểm đảm bào cuộc sống ổn định của người dân.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin.

Người dân xã Hà Thượng bức xúc trao đổi thông tin với PV Báo điện tử Xây dựng

Người dân xã Hà Thượng bức xúc ký đơn kiến nghị

Nhiều người dân địa phương tiếp tục lập lán trại ngay gần công trường dự án

Thực tế vẫn còn nhiều nhà dân ngay dưới dây chuyền sàng tuyển của nhà máy
(Nguồn tin bài và ảnh:Thái Nguyên Nhân-Báo xây dựng:)


Xem ngay…

Tp Thái Nguyên:Khởi công xây dựng công trình Quảng trường Võ Nguyên Giáp

TNTT-Dự án đầu tư xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp của TP Thái Nguyên có tổng mức đầu tư trên 111 tỷ đồng, gồm có 8 hạng mục chính
Lễ khởi công xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp
Nhân kỷ niệm 104 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2015), chào mừng kỷ niệm 70 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 25/8, UBND TP Thái Nguyên long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình Quảng trường Võ Nguyên Giáp.
Thái Nguyên có một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Đây cũng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, gắn bó trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp và được Đại tướng coi như “quê hương thứ 2” của mình.
Để thể hiện lòng thành kính, tri ân đối với Đại tướng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp, góp phần giúp mọi người dân Việt Nam thêm hiểu về công lao cũng như sự đóng góp to lớn của Đại tướng đối với quê hương, đất nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, khơi dậy tinh thần yêu nước của dân tộc.
Quảng trường có tổng diện tích gần 47.000m2 thuộc phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên. Dự án đầu tư xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp có tổng mức đầu tư trên 111 tỷ đồng, gồm có 8 hạng mục chính gồm: sân quảng trường rộng trên 10.000m2, sân vườn lễ đài rộng trên 4.800m2, lễ đài, sân khấu trung tâm, cột cờ, phù điêu, vườn hoa và khu cảnh quan bên sông Cầu.
Theo cam kết, công trình sẽ hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/8/2016.
(tổng hợp:nông nghiệp)
Xem ngay…

Phổ Yên:Tình nguyện viên Samsung xây nhà tặng hộ nghèo

TNTT-Từ ngày 16 đến 21-8, tập đoàn điện tử Samsung và tổ chức phi chính phủ Habitat phối hợp thực hiện Chương trình tình nguyện viên xây nhà ở cho các hộ dân nghèo của xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. Tham gia chương trình là 43 tình nguyện viên đến từ Samsung Electronics (Hàn Quốc) và 35 tình nguyện viên của Samsung Điện tử Việt Nam Thái Nguyên trực tiếp thực hiện công việc xây nhà cho 6 hộ dân nghèo. Tất cả các tình nguyện viên đều đã được trải qua các lớp huấn luyện cơ bản về kỹ năng xây dựng, hoàn thiện ngôi nhà trước khi tham gia. Họ trực tiếp đảm nhận các công viêc như khuôn gạch, kéo nước, trộn bê tông, sơn tường… để xây dựng ngôi nhà mới cho người dân địa phương.
Tình nguyện viên Hàn Quốc xây nhà ở cho gia đình anh chị Trần Văn Cung và Lại Thị Nhài ở xóm 6, xã Phúc Thuận, Phổ Yên, Thái Nguyên.
Cùng với hoạt động xây nhà, đoàn tình nguyện viên cũng đào tạo kiến thức công nghệ thông tin cho khoảng 300 học sinh các Trường THCS Thành Công, Phúc Thuận và Hồng Tiến của huyện Phổ Yên. Ngoài ra, các trường này cũng được các tình nguyện viên hỗ trợ lắp đặt các thiết bị trò chơi nhằm tạo một sân chơi hấp dẫn cho học sinh ngoài giờ học. Trước đó, đoàn tình nguyện viên đã hỗ trợ lắp đặt một phòng máy tính cho trường cấp 2 Hồng Tiến, xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên.
Chương trình tình nguyện viên xây nhà ở cho các hộ dân nghèo là một hoạt động ý nghĩa nằm trong dự án “New House- New Hope” (Ngôi nhà mới-Tương lai mới) do tập đoàn Samsung Điện tử tài trợ với số vốn 5 tỉ đồng, với sự tham gia của tổ chức Habitat for Humanity Việt Nam trên vai trò tư vấn và hỗ trợ gia đình về chuyên môn xây dựng, sửa chữa nhà cửa, và nâng cấp hệ thống nước sạch, và vệ sinh môi trường. Dự án được triển khai từ tháng 12-2014 đến tháng 12-2015 nhằm giúp xây dựng 11 căn nhà mới, sửa chữa nâng cấp 41 căn nhà thuộc địa bàn xã Phúc Thuận và Thành Công, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
(Theo tin:QDND)
Xem ngay…

Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035

TNTT-Tỉnh Thái Nguyên vừa chính thức phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2035, do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) tư vấn.
Phạm vi quy hoạch vùng tỉnh Thái Nguyên được xác định trên cơ sở diện tích toàn tỉnh hiện hữu là 3.533,1891km2 với tổng dân số năm 2013 là 1.155.991 người.
Trên cơ sở tính chất của vùng lập quy hoạch là tỉnh công nghiệp phát triển, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, trung tâm đào tạo, y tế chuyên sâu và khoa học công nghệ; đồng thời là vùng đối trọng phía Bắc, cửa ngõ Thủ đô Hà Nội và là địa bàn trọng yếu trong quốc phòng - an ninh; quy hoạch vùng Thái Nguyên được định hướng phát triển thành 4 vùng không gian phát triển.
Cụ thể, vùng đô thị - công nghiệp (gồm thành phố Thái Nguyên và một số xã của huyện Đồng Hỷ, huyện Phú Lương, Phú Bình, thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công) được xác định là vùng không gian xây dựng tập trung về đô thị, dịch vụ, tổ hợp công nghiệp cấp quốc gia và vùng; là vùng trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh, có vị thế cấp vùng và là cửa ngõ vùng Thủ đô Hà Nội.
Vùng phát triển hỗn hợp (gồm: huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương và một số xã của huyện Đại Từ) là vùng không gian phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, phát triển dịch vụ, phát triển nông sản hàng hóa, sản xuất chè xanh, chè đen và các loại cây ăn quả.
Vùng du lịch phía Tây (gồm huyện Định Hóa và một số xã của huyện Đại Từ, thị xã Phổ Yên) là vùng chủ đạo phát triển các không gian dịch vụ du lịch, không gian bảo tồn di tích lịch sử cách mạng ATK và các vùng cảnh quan, sinh thái tự nhiên. Sản xuất nông, lâm nghiệp theo hình thức kinh tế vườn đồi trang trại, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, khai thác VLXD.
Vùng sinh thái phía Đông gồm toàn bộ huyện Võ Nhai, là vùng bảo vệ rừng; sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, khai thác VLXD.
Về phân bố các khu, cụm sản xuất, cơ sở kinh tế: Thái Nguyên quy hoạch khoảng 2.581ha cho các khu, cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch công nghiệp được tỉnh phê duyệt; phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ, phân phối hiện đại, cải tạo và xây dựng mới hệ thống chợ tại khu vực thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, các thị trấn và các KĐT mới, KCN tập trung. Gìn giữ và phát triển 5 không gian du lịch trọng điểm là hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa, không gian du lịch thành phố Thái Nguyên và phụ cận; khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng; Vườn quốc gia Tam Đảo. Bên cạnh đó, các trọng điểm đầu tư trọng điểm được hướng tới là tổ hợp đô thị công nghiệp Yên Bình, với hạt nhân là dự án Samsung Thái Nguyên; phát triển du lịch hồ Núi Cốc gắn với hình thành KĐT du lịch; khai thác khoáng sản ở Đại Từ và Đồng Hỷ góp phần phát triển kinh tế - xã hội; phát triển mở rộng thành phố Thái Nguyên xứng tầm vị thế, ảnh hưởng trong vùng; hình thành và phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao tại Yên Bình và các khu vực ngoại thành của thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công.
Trong định hướng phát triển hệ thống đô thị Thái Nguyên xác định sẽ có 18 đô thị, trong đó 4 đô thị trung tâm vùng, tỉnh là thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên, đô thị Núi Cốc; 6 đô thị trung tâm hành chính huyện là Hùng Sơn (Đại Từ), Hương Sơn (Phú Bình), Chùa Hang - Hóa Thượng (Đồng Hỷ), Đình Cả (Võ Nhai) và Chợ Chu (Định Hóa); 3 đô thị thuộc huyện là Giang Tiên (Phú Lương), Trại Cau và Sông Cầu (Đồng Hỷ) và 5 đô thị mới được xác định là: Yên Bình (Phổ Yên - Phú Bình), La Hiên - Quang Sơn (Đồng Hỷ - Võ Nhai), Cù Vân, Yên Lãng (Đại từ và Trung Hội (Định Hóa)).
Theo quy hoạch, hệ thống giao thông quốc gia từng bước xây dựng hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy trong vùng theo chiến lược phát triển giao thông vận tải quốc gia, quy hoạch chi tiết đường vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Trong khi đó, sẽ nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh, đường huyện hiện có; đầu tư xây mới một số tuyến đường tỉnh trên cơ sở tuyến đường huyện. Hệ thống đường đô thị được thiết kế theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn của các đô thị xây dựng mới. Các khu vực đô thị nâng cấp, cải tạo yêu cầu đảm bảo lộ giới tối thiểu phù hợp với từng cấp đường, đồng thời bám sát hiện trạng. Đảm bảo mỗi huyện sẽ có ít nhất 1 - 2 bến xe đạt tiêu chuẩn loại IV trở lên.
Quy hoạch cũng chỉ rõ các khu vực cấm và hạn chế xây dựng gồm: khu vực hành lang thoát lũ và khu vực đệm (30m) giữa chỉ giới xây dựng và chỉ giới thoát lũ, chỉ khai thác xây dựng đường quản lý quy hoạch kết hợp giao thông ven sông hoặc tạo hành lang xanh; không xây dựng công trình trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện, hành lang an toàn đê điều, khu vực ven núi đất có khả năng bị lở, trượt, khu vực thường xuyên bị lũ quét…
(Theo báo xây dựng)
Xem ngay…

Hơn 10.000 nhân viên Samsung tham gia hiến máu

TNTT-Ngày 18/8, Công ty Samsung Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương tổ chức Lễ tổng kết chương trình Hiến máu tình nguyện Samsung 2015. Tại buổi lễ tổng kết, Samsung Việt Nam sẽ trao tặng toàn bộ số tiền gần 385 triệu đồng từ khoản đóng góp của nhân viên hiến máu và Công ty cho Hội chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên, Hội chữ thập đỏ tỉnh Bắc Ninh và đặc biệt Samsung Việt Nam sẽ trực tiếp trao tặng quà cho 10 bệnh nhân ung thư máu của Viện Huyết học.
Chương trình Hiến máu tình nguyện Samsung 2015 do Công ty Samsung Việt Nam và Viện Huyết học Truyến máu Trung Ương tổ chức trong tháng 7/2015 cho toàn bộ nhân viên và chuyên gia Samsung tại nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (Bắc Ninh), Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (Thái Nguyên) và Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển di động Samsung (Hà Nội). Chương trình đã thu hút gần 10.000 người đăng kí tham gia và có đến 7.200 người đã hiến máu với 7.200 đơn vị máu thu về.
Toàn bộ 7.200 nhân viên Samsung tham gia hiến máu đều không nhận bất kì thù lao, bồi dưỡng nào mà đều tự nguyện đóng góp vào Quĩ hỗ trợ cộng đồng của Công ty. Tổng số tiền đóng góp là 385 triệu đồng, Samsung đã dành toàn bộ số tiền này để ủng hộ các hoạt động xã hội.
Công nhân công ty Samsung hiến máu
Đây là hoạt động được Samsung tổ chức từ năm 2011. Cho đến nay, tổng lượng máu tiếp nhận được trong 5 năm là 13.506 đơn vị máu. Samsung thường xuyên tổ chức hiến máu vào các dịp hè, là thời điểm tình trạng thiếu máu diễn ra căng thẳng nhất.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học & Truyền máu Trung Ương đánh giá cao những đóng góp to lớn của Samsung trong phong trào hiến máu nhân đạo tại Việt Nam bởi đó là những đóng góp có tính hệ thống và có tính trách nhiệm cao, hoàn toàn không phải là lời hô hào mang tính phong trào.
“Khi sang đầu tư tại Việt Nam, Samsung không chỉ đầu tư vào sản xuất những thiết bị di động thông minh, mà đã tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào những vấn đề nóng nhất tại Việt Nam. Samsung đã tham gia hiến máu từ năm 2011 và luôn lựa chọn thời điểm hiến máu là tháng 7 – đây là tháng nóng nhất và là tháng cần máu nhất tại bệnh viên. Đến nay, Samsung đã đóng góp hơn 13.000 đơn vị máu giúp cứu sống hàng vạn bệnh nhân.” ông Trí cho biết thêm.
(Theo :infonet)
Xem ngay…

Thái Nguyên: Doanh nghiệp “đắm đò” vì bị chính quyền nợ

TNTT- Doanh nghiệp (DN) đổ bao công sức và tâm huyết cùng địa phương thực hiện dự án xây dựng hạ tầng cơ sở nhằm tạo ra diện mạo mới cho thành phố và vùng nông thôn theo đề án “quy hoạch nông thôn mới” của Chính phủ… Tuy nhiên, niềm vui không trọn vẹn khi kết thúc dự án, DN lại lâm vào tình trạng phá sản khi chủ đầu tư liên tục khất nợ…
Lễ khởi công công trình đường giao thông nông thôn Na Dau - Ao Cỏ, đã hoàn thành từ lâu, nhưng chủ đầu tư là UBND xã Phú Lương hiện vẫn khất nợ DN Tiến Thành. Ảnh: Đinh Lê

Cty TNHH Xây dựng Tiến Thành (Cty Tiến Thành) có trụ sở tại phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên do ông Triệu Đình Tuy làm Giám đốc. Từ năm 2008 - 2013, Cty Tiến Thành đã trúng thầu 4 công trình thuộc dự án quy hoạch nông thôn mới: Trường Tiểu học Tân Long (2008); Trường Tiểu học Tích Lương 1 (2009); đường bê tông xóm Tiến Bộ - Bo Chè (2012); đường giao thông nông thôn Na Dau - Ao Cỏ (2013).
Công trình đường giao thông nông thôn Na Dau - Ao Cỏ thuộc xã Phủ Lý, huyện Phú Lương khởi công ngày 2/4/2013. Công trình đã hoàn thành trước thời hạn, được đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, sau nhiều năm bàn giao công trình, ông Tuy phải đến gõ nhiều cửa từ xã đến huyện, đến các sở, ban, ngành, rồi lên đến tỉnh mà vẫn không thanh toán được khoản tiền đã đầu tư vào dự án.
3 công trình Cty Tiến Thành trúng thầu trước đó cũng đều bị khất nợ.
Trường Tiểu học Tân Long xây dựng 2 tầng với 10 phòng học do UBND TP Thái Nguyên làm chủ đầu tư, bàn giao từ năm 2009. Sau nhiều năm với nhiều lần ông Tuy đòi nợ, UBND phường Tân Long và TP Thái Nguyên viện ra nhiều lý do chưa thể trả.
Ông Tuy cực chẳng đã phải khởi kiện ra tòa. Ngày 11/12/2013, TAND TP Thái Nguyên đã ra quyết định buộc UBND phường Tân Long có trách nhiệm trả nợ cả lãi và gốc tiền xây dựng công trình gần 420 triệu đồng cho Cty.
Công trình Trường Tiểu học Tích Lương 1 được xây dựng 2 tầng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP Thái Nguyên. Công trình này bảo đảm chất lượng đã bàn giao từ năm 2009, đến nay đã hết thời hạn bảo hành mà mọi việc thanh toán, quyết toán vẫn chưa hoàn tất, cho dù đã có văn bản phê duyệt của UBND tỉnh.

Ngôi nhà gia đình ông Tuy đã bị ngân hàng siết nợ bán cho người khác, hiện đã bị phá dỡ để xây mới. Ảnh: Đinh Lê


Công trình đường bê tông xóm Tiến Bộ - Bo Chè, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, chủ đầu tư là UBND xã Hợp Thành. Ông Tuy cho biết: “Trong quá trình thi công dự án, công trình có hạng mục phát sinh, giá trị hơn 40 triệu đồng. Số tiền này Cty Tiến Thành đã quyết định ủng hộ địa phương, nhưng đến khi bàn giao công trình, số tiền còn thiếu của Cty bị chính quyền huyện viện ra lý do “chưa có tiền” và kéo dài nhiều năm nay”.
Sau 4 công trình kể trên, tiềm lực kinh tế của Cty đã thâm hụt nghiêm trọng. Chính quyền nợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nợ ngân hàng. Giáp Tết 2014, ngân hàng đến bắt nợ, thanh lý ngôi nhà của gia đình ông Tuy đang ở.
Ông Nguyễn Cao Sơn - Chủ tịch UBND xã Phủ Lý cho biết: “Dân ai cũng phấn khởi và rất tự hào khi miền quê có con đường rộng, đẹp. Lãnh đạo chúng tôi rất vui và tự hào về một chủ chương đúng. Hiểu những khó khăn của DN nhưng biết làm thế nào được, huyện không “rót” tiền về thì lấy đâu ra trả cho DN”.
Không thể làm việc được với lãnh đạo huyện Phú Lương sau nhiều lần hẹn, PV đã liên hệ làm việc với ông Dương Ngọc Long - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Nghe được câu chuyện “DN mất nhà vì bị chính quyền nợ, Chủ tịch UBND tỉnh lập tức điện thoại gọi cho ông Lê Văn Tâm - Trưởng phòng Tài chính TP Thái Nguyên hỏi nguyên sự. Ông Tâm sau đó đã hứa sẽ cân đối tài chính và giải quyết trả nợ.
Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục gọi điện cho Chủ tịch UBND huyện Phú Lương. Sau cuộc trao đổi, ông Dương Ngọc Long cho biết: “Chủ tịch huyện nói sẽ xem xét rồi cân đối giải quyết một phần (tiền nợ - PV) cho Cty Tiến Thành”.
Chỉ đạo của cấp trên là vậy, nhưng đến nay, lời hứa “cân đối giải quyết” vẫn chưa được thực hiện.
                          (theo Đinh Lê :báo Thanh tra)

Xem ngay…
Next Home ->