TNTT- Doanh nghiệp (DN) đổ bao công sức và tâm huyết cùng địa phương thực hiện dự án xây dựng hạ tầng cơ sở nhằm tạo ra diện mạo mới cho thành phố và vùng nông thôn theo đề án “quy hoạch nông thôn mới” của Chính phủ… Tuy nhiên, niềm vui không trọn vẹn khi kết thúc dự án, DN lại lâm vào tình trạng phá sản khi chủ đầu tư liên tục khất nợ…
Lễ khởi công công trình đường giao thông nông thôn Na Dau - Ao Cỏ, đã hoàn thành từ lâu, nhưng chủ đầu tư là UBND xã Phú Lương hiện vẫn khất nợ DN Tiến Thành. Ảnh: Đinh Lê |
Cty TNHH Xây dựng Tiến Thành (Cty Tiến Thành) có trụ sở tại phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên do ông Triệu Đình Tuy làm Giám đốc. Từ năm 2008 - 2013, Cty Tiến Thành đã trúng thầu 4 công trình thuộc dự án quy hoạch nông thôn mới: Trường Tiểu học Tân Long (2008); Trường Tiểu học Tích Lương 1 (2009); đường bê tông xóm Tiến Bộ - Bo Chè (2012); đường giao thông nông thôn Na Dau - Ao Cỏ (2013).
Công trình đường giao thông nông thôn Na Dau - Ao Cỏ thuộc xã Phủ Lý, huyện Phú Lương khởi công ngày 2/4/2013. Công trình đã hoàn thành trước thời hạn, được đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, sau nhiều năm bàn giao công trình, ông Tuy phải đến gõ nhiều cửa từ xã đến huyện, đến các sở, ban, ngành, rồi lên đến tỉnh mà vẫn không thanh toán được khoản tiền đã đầu tư vào dự án.
3 công trình Cty Tiến Thành trúng thầu trước đó cũng đều bị khất nợ.
Trường Tiểu học Tân Long xây dựng 2 tầng với 10 phòng học do UBND TP Thái Nguyên làm chủ đầu tư, bàn giao từ năm 2009. Sau nhiều năm với nhiều lần ông Tuy đòi nợ, UBND phường Tân Long và TP Thái Nguyên viện ra nhiều lý do chưa thể trả.
Ông Tuy cực chẳng đã phải khởi kiện ra tòa. Ngày 11/12/2013, TAND TP Thái Nguyên đã ra quyết định buộc UBND phường Tân Long có trách nhiệm trả nợ cả lãi và gốc tiền xây dựng công trình gần 420 triệu đồng cho Cty.
Công trình Trường Tiểu học Tích Lương 1 được xây dựng 2 tầng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP Thái Nguyên. Công trình này bảo đảm chất lượng đã bàn giao từ năm 2009, đến nay đã hết thời hạn bảo hành mà mọi việc thanh toán, quyết toán vẫn chưa hoàn tất, cho dù đã có văn bản phê duyệt của UBND tỉnh.
Ngôi nhà gia đình ông Tuy đã bị ngân hàng siết nợ bán cho người khác, hiện đã bị phá dỡ để xây mới. Ảnh: Đinh Lê
Công trình đường bê tông xóm Tiến Bộ - Bo Chè, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, chủ đầu tư là UBND xã Hợp Thành. Ông Tuy cho biết: “Trong quá trình thi công dự án, công trình có hạng mục phát sinh, giá trị hơn 40 triệu đồng. Số tiền này Cty Tiến Thành đã quyết định ủng hộ địa phương, nhưng đến khi bàn giao công trình, số tiền còn thiếu của Cty bị chính quyền huyện viện ra lý do “chưa có tiền” và kéo dài nhiều năm nay”.
Sau 4 công trình kể trên, tiềm lực kinh tế của Cty đã thâm hụt nghiêm trọng. Chính quyền nợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nợ ngân hàng. Giáp Tết 2014, ngân hàng đến bắt nợ, thanh lý ngôi nhà của gia đình ông Tuy đang ở.
Ông Nguyễn Cao Sơn - Chủ tịch UBND xã Phủ Lý cho biết: “Dân ai cũng phấn khởi và rất tự hào khi miền quê có con đường rộng, đẹp. Lãnh đạo chúng tôi rất vui và tự hào về một chủ chương đúng. Hiểu những khó khăn của DN nhưng biết làm thế nào được, huyện không “rót” tiền về thì lấy đâu ra trả cho DN”.
Không thể làm việc được với lãnh đạo huyện Phú Lương sau nhiều lần hẹn, PV đã liên hệ làm việc với ông Dương Ngọc Long - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Nghe được câu chuyện “DN mất nhà vì bị chính quyền nợ, Chủ tịch UBND tỉnh lập tức điện thoại gọi cho ông Lê Văn Tâm - Trưởng phòng Tài chính TP Thái Nguyên hỏi nguyên sự. Ông Tâm sau đó đã hứa sẽ cân đối tài chính và giải quyết trả nợ.
Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục gọi điện cho Chủ tịch UBND huyện Phú Lương. Sau cuộc trao đổi, ông Dương Ngọc Long cho biết: “Chủ tịch huyện nói sẽ xem xét rồi cân đối giải quyết một phần (tiền nợ - PV) cho Cty Tiến Thành”.
Chỉ đạo của cấp trên là vậy, nhưng đến nay, lời hứa “cân đối giải quyết” vẫn chưa được thực hiện.
(theo Đinh Lê :báo Thanh tra)
0 Nhận xét
Post a Comment