TNTT-Đúng 6h30 sáng nay 30/4, tại TP.HCM diễn ra lễ mít tinh, duyệt binh, diễu hành mừng 40 năm thống nhất đất nước.
Buổi lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành mừng thống nhất đất nước chính thức diễn ra tại trung tâm TP.HCM do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VOV.VN - Đúng 6h30 sáng nay 30/4, tại TP.HCM diễn ra lễ mít tinh, duyệt binh, diễu hành mừng 40 năm thống nhất đất nước.Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Phần đầu chương trình đã diễn ra với các bản hùng ca khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc.
Lễ kỷ niệm gồm 2 hoạt động chính là lễ dâng hương tưởng niệm và mít tinh, diễu binh, diễu hành. Lễ dâng hương tưởng niệm diễn ra tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tượng đài Liệt sỹ ở Thủ đô Hà Nội và Nghĩa trang liệt sỹ, Đền Tưởng niệm Bến Dược, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 30/4.
7h05, bắt đầu lễ chào cờ: Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tham gia buổi lễ...
Nhiều đoàn khách quốc tế, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các tướng lĩnh quân đội và công an, đại diện các cựu chiến binh cùng đại diện các ban, ngành... cũng có mặt trên lễ đài.
7h40: Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên phó chính ủy Quân đoàn 7, Sư đoàn 4, người tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975 phát biểu. (Ảnh chụp qua màn hình)
7h 50: Bạn Nguyễn Đào Phương Thúy, sinh viên năm 4 ,Trường ĐH Luật TP.HCM đại diện cho thế hệ trể VN phát biểu. (ảnh chụp qua màn hình)
8h00: Lễ diễu binh, diễu hành mừng thống nhất đất nước chính thức diễn ra dưới sự điều hành của trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.
Buổi lễ có quy mô lên đến 6.000 người thuộc các lực lượng: quân đội, công an, nhân dân, sinh viên, học sinh và các đoàn thể...
Đi đầu đội hình diễu binh là xe chỉ huy tổ quân kỳ toàn quân do Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu.
Chương trình diễu binh, diễu hành có sự tham gia của 38 khối thuộc lực lượng vũ trang với đầy đủ các quân binh chủng, các lực lượng; cựu chiến binh, quần chúng nhân dân... đã góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc diễu binh cũng tái hiện lại các lực lượng tham gia cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 và mô phỏng 5 cánh quân giải phóng tiến về Sài Gòn.
Tiếp đó, các khối chiến sĩ giải phóng quân, sĩ quan lục quân, phòng không - không quân, hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, sĩ quan thông tin, bộ binh, đặc công biệt động, trinh sát đặc nhiệm, thanh niên xung phong, tự vệ, dân quân, du kích...
Lực lượng công an nhân dân với các khối sĩ quan, cảnh sát, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, phòng cháy chữa cháy, sĩ quan công an TP.HCM, công an xã và khối hồng kỳ cũng lần lượt tiến vào.
Cuối cùng là phần diễu hành của khối Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể như: cựu chiến binh, công nhân, nông dân, thanh thiếu niên, nhi đồng, phụ nữ, khối tri thức và doanh nhân, khối các vận động viên, nghệ sĩ, diễn viên.
Đội hình diễu binh, diễu hành thể hiện khí thế hào hùng của chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sự lớn mạnh, trưởng thành của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hăng hái vươn lên thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Quốc huy được đặt trên nền trống đồng, là biểu tượng cội nguồn, ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Cùng với xe Quốc huy là 54 đôi nam, nữ thanh niên, tượng trưng cho khối đại đoàn kết của 54 dân tộc anh em. Đó là sức mạnh vô địch được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước; được kết tinh thành sức mạnh thần kỳ của quân và dân ta làm nên Chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những lá cờ đỏ, sao vàng, búa liềm là biểu tượng của hồn nước, tượng trưng cho lý tưởng, niềm tin chiến thắng, bản lĩnh, trí tuệ lãnh đạo của Đảng và khí phách, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, được khơi nguồn từ lịch sử, bừng cháy và tỏa sáng đến mai sau.
Đây là mô hình chiếc xe tăng mang số hiệu 390, dẫn đầu đoàn quân hùng dũng tiến vào dinh lũy cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn - Chiếc xe tăng đã húc đổ cổng dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Số 40 được khắc họa nổi bật trên thân xe là biểu tượng cho Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khối Quân nhạc
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh, tiếng kèn quân nhạc như tiếng gọi non sông, kịp thời cổ vũ quân và dân ta vững bước tiến lên phía trước chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù.
Những âm thanh hùng tráng của Quân nhạc như thôi thúc những trái tim yêu nước, đạp bằng mọi chông gai, đè bè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cách đây 40 năm, trong những ngày tháng 4 lịch sử, 5 cánh quân cùng với sự tăng cường, phối thuộc của các quân chủng, binh chủng, biệt động thành, lực lượng vũ trang các địa phương và lực lượng chính trị quần chúng, đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định: Hướng Bắc: Quân đoàn 1; Hướng Đông Nam: Quân đoàn 2; Hướng Tây Bắc: Quân đoàn 3; Hướng Đông: Quân đoàn 4; Hướng Tây Nam: Đoàn 232.
5 cánh quân cùng với các lực lượng vũ trang cách mạng và lực lượng chính trị nổi dậy của quần chúng là ý chí, sức mạnh dồn lại của cả dân tộc trên hai mươi năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam.
Chiến sĩ Giải phóng quân là tên gọi trìu mến, thân thương của nhân dân ta để gọi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước các chiến sĩ Giải phóng quân với ý chí, quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Chiến sĩ Giải phóng quân - những con người hiên ngang, bất khuất, kiên cường chiến đấu, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Thực hiện lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt, các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt, bất kì nhiệm vụ gì, bất kì nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt.”, Bộ đội Đặc công Việt Nam đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với cách đánh độc đáo, xứng đáng là đội quân: “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”, bao phen làm quân thù khiếp sợ, lập nên những chiến công vang dội, góp phần cùng với quân và dân cả nước giành thắng lợi trọn vẹn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ngay từ khi mới ra đời, lực lượng Cảnh sát cơ động đã phát huy truyền thống Công an nhân dân Việt Nam, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong huấn luyện, chiến đấu; là lực lượng mũi nhọn trong đấu tranh trấn áp tội phạm; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và nhân dân đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
(Ảnh chụp qua màn hình)
9h10: Buổi lễ kết thúc cùng màn trình diễn của lực lượng vận động viên thể thao, văn nghệ sĩ của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống dân tộc, nghệ thuật ca múa nhạc đương đại.
Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và mang tính thời đại sâu sắc./.
(NGUỒN:http://vov.vn/)
0 Nhận xét
Post a Comment