TNTT-Tỉnh Thái Nguyên vừa chính thức phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2035, do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) tư vấn.
Phạm vi quy hoạch vùng tỉnh Thái Nguyên được xác định trên cơ sở diện tích toàn tỉnh hiện hữu là 3.533,1891km2 với tổng dân số năm 2013 là 1.155.991 người.
Trên cơ sở tính chất của vùng lập quy hoạch là tỉnh công nghiệp phát triển, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, trung tâm đào tạo, y tế chuyên sâu và khoa học công nghệ; đồng thời là vùng đối trọng phía Bắc, cửa ngõ Thủ đô Hà Nội và là địa bàn trọng yếu trong quốc phòng - an ninh; quy hoạch vùng Thái Nguyên được định hướng phát triển thành 4 vùng không gian phát triển.
Cụ thể, vùng đô thị - công nghiệp (gồm thành phố Thái Nguyên và một số xã của huyện Đồng Hỷ, huyện Phú Lương, Phú Bình, thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công) được xác định là vùng không gian xây dựng tập trung về đô thị, dịch vụ, tổ hợp công nghiệp cấp quốc gia và vùng; là vùng trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh, có vị thế cấp vùng và là cửa ngõ vùng Thủ đô Hà Nội.
Vùng phát triển hỗn hợp (gồm: huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương và một số xã của huyện Đại Từ) là vùng không gian phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, phát triển dịch vụ, phát triển nông sản hàng hóa, sản xuất chè xanh, chè đen và các loại cây ăn quả.
Vùng du lịch phía Tây (gồm huyện Định Hóa và một số xã của huyện Đại Từ, thị xã Phổ Yên) là vùng chủ đạo phát triển các không gian dịch vụ du lịch, không gian bảo tồn di tích lịch sử cách mạng ATK và các vùng cảnh quan, sinh thái tự nhiên. Sản xuất nông, lâm nghiệp theo hình thức kinh tế vườn đồi trang trại, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, khai thác VLXD.
Vùng sinh thái phía Đông gồm toàn bộ huyện Võ Nhai, là vùng bảo vệ rừng; sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, khai thác VLXD.
Về phân bố các khu, cụm sản xuất, cơ sở kinh tế: Thái Nguyên quy hoạch khoảng 2.581ha cho các khu, cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch công nghiệp được tỉnh phê duyệt; phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ, phân phối hiện đại, cải tạo và xây dựng mới hệ thống chợ tại khu vực thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, các thị trấn và các KĐT mới, KCN tập trung. Gìn giữ và phát triển 5 không gian du lịch trọng điểm là hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa, không gian du lịch thành phố Thái Nguyên và phụ cận; khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng; Vườn quốc gia Tam Đảo. Bên cạnh đó, các trọng điểm đầu tư trọng điểm được hướng tới là tổ hợp đô thị công nghiệp Yên Bình, với hạt nhân là dự án Samsung Thái Nguyên; phát triển du lịch hồ Núi Cốc gắn với hình thành KĐT du lịch; khai thác khoáng sản ở Đại Từ và Đồng Hỷ góp phần phát triển kinh tế - xã hội; phát triển mở rộng thành phố Thái Nguyên xứng tầm vị thế, ảnh hưởng trong vùng; hình thành và phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao tại Yên Bình và các khu vực ngoại thành của thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công.
Trong định hướng phát triển hệ thống đô thị Thái Nguyên xác định sẽ có 18 đô thị, trong đó 4 đô thị trung tâm vùng, tỉnh là thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên, đô thị Núi Cốc; 6 đô thị trung tâm hành chính huyện là Hùng Sơn (Đại Từ), Hương Sơn (Phú Bình), Chùa Hang - Hóa Thượng (Đồng Hỷ), Đình Cả (Võ Nhai) và Chợ Chu (Định Hóa); 3 đô thị thuộc huyện là Giang Tiên (Phú Lương), Trại Cau và Sông Cầu (Đồng Hỷ) và 5 đô thị mới được xác định là: Yên Bình (Phổ Yên - Phú Bình), La Hiên - Quang Sơn (Đồng Hỷ - Võ Nhai), Cù Vân, Yên Lãng (Đại từ và Trung Hội (Định Hóa)).
Theo quy hoạch, hệ thống giao thông quốc gia từng bước xây dựng hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy trong vùng theo chiến lược phát triển giao thông vận tải quốc gia, quy hoạch chi tiết đường vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội.
Trong khi đó, sẽ nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh, đường huyện hiện có; đầu tư xây mới một số tuyến đường tỉnh trên cơ sở tuyến đường huyện. Hệ thống đường đô thị được thiết kế theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn của các đô thị xây dựng mới. Các khu vực đô thị nâng cấp, cải tạo yêu cầu đảm bảo lộ giới tối thiểu phù hợp với từng cấp đường, đồng thời bám sát hiện trạng. Đảm bảo mỗi huyện sẽ có ít nhất 1 - 2 bến xe đạt tiêu chuẩn loại IV trở lên.
Quy hoạch cũng chỉ rõ các khu vực cấm và hạn chế xây dựng gồm: khu vực hành lang thoát lũ và khu vực đệm (30m) giữa chỉ giới xây dựng và chỉ giới thoát lũ, chỉ khai thác xây dựng đường quản lý quy hoạch kết hợp giao thông ven sông hoặc tạo hành lang xanh; không xây dựng công trình trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện, hành lang an toàn đê điều, khu vực ven núi đất có khả năng bị lở, trượt, khu vực thường xuyên bị lũ quét…
(Theo báo xây dựng)
0 Nhận xét
Post a Comment