TNTT-Khi tôi đến, cô gái Đỗ Ánh Như Nguyệt (sinh năm 1992, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đang viết tiếp cuốn tiểu thuyết "Đừng khóc nơi thiên đường" mà trước đó cô đã phải bỏ dở vì bệnh tật.
Đôi chân gầy guộc, bại liệt co cụm lại một chỗ, đôi tay yếu ớt đang lạch cạch gõ máy. Nhìn từng chữ nhọc nhằn hiện trên màn hình máy vi tính, chúng tôi không thể tin được cô lại là tác giả của một cuốn tiểu thuyết dày hơn 400 trang.
Nhọc nhằn học chữ cùng mẹ...
Chưa một lần được đến trường học chữ, được bay nhảy khám phá thế giới bên ngoài, nhưng cô gái khuyết tật ấy lại có đủ ngôn từ, vốn sống, sự trải nghiệm để trở thành tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết ở nhiều thể loại khác nhau. Nguyệt bảo: "Với em, văn chương không phải là cái nghề, vì em chẳng viết văn đi bán, nhưng nó lại là cái nghiệp, là đam mê, là nơi để em "bám vịn" mà đứng vững giữa cuộc đời đầy sóng gió".
Nguyệt sinh ra trong gia đình có hai anh em, bố mẹ làm kinh doanh. Gia đình những tưởng đã hạnh phúc với hai thiên thần "đủ nếp đủ tẻ", nhưng lúc sinh ra, Nguyệt đã gầy gò nhỏ hơn so với những trẻ cùng tuổi. Mãi đến năm hai tuổi, Nguyệt mới chập chững đứng dậy được. Nhận thấy sự khác biệt của con, gia đình đã đưa Nguyệt xuống Hà Nội khám và nhận được kết quả cô bị dính tủy, rỗng ống xương tủy, chân tay không thể phát triển và đặc biệt sẽ không thể đi lại được.
Dù tật nguyền nhưng Như Nguyệt không bao giờ từ bỏ niềm yêu thích văn chương của mình
Bố mẹ Nguyệt không chấp nhận sự thật đứa con gái của mình bại liệt nên đã đưa Nguyệt đi khắp Bắc - Nam chữa trị. Cũng từ đó, cuộc đời Nguyệt gắn liền với những lần ra vào viện, chịu đủ nỗi đau đớn của việc cắm, rút kim châm. Cô Bá Lệ Hằng (mẹ của Nguyệt) chia sẻ: "Vợ chồng tôi kết hợp cả đông, tây y để chữa bệnh cho cháu nhưng bệnh lại càng trầm trọng hơn. Đến giờ, Nguyệt đã liệt hẳn, mọi sinh hoạt đều phải có người khác giúp đỡ".
Lên sáu tuổi, Nguyệt muốn đến trường đi học như bao bạn bè khác. Mẹ Nguyệt đã đến "gõ cửa" khắp các trường nhưng vì tình trạng sức khỏe của Nguyệt quá trầm trọng nên không trường nào đồng ý, kể cả những trường khuyết tật. Mọi cánh cửa như đóng sập lại trước mắt cô. Hàng ngày, Nguyệt thường ngồi trước cửa phòng ngóng ra phía con đường chính, nơi các bạn cùng trang lứa vẫn tấp nập tới trường, vẫn đang cười đùa vui vẻ. Có những khi Nguyệt cố lấy đôi bàn tay yếu ớt bám vịn vào song cửa sổ để gượng dậy nhưng rồi lại ngã. Hơn một lần cô ngước đôi mắt nửa thèm thuồng, nửa tuyệt vọng lên nhìn mẹ: "Mẹ ơi con muốn đi, muốn chạy, con muốn được đến trường học chữ,...".
Không được đi học, Nguyệt cũng không từ bỏ giấc mơ của mình. Nguyệt ở nhà nhờ mẹ dạy chữ. Đôi tay Nguyệt gầy gò, yếu ớt, đến quyển sách cũng không cầm lên nổi nên mỗi khi màn đêm buông xuống, bên ánh đèn leo lắt, cô Hằng lại đọc chữ cho con nghe. Mẹ Nguyệt chia sẻ: "Trời lấy đi đôi chân nhưng bù lại cho Nguyệt ý chí sắt đá. Tay Nguyệt yếu ớt nên cầm bút rất khó khăn, có khi nó lấy dây chun buộc cả tay mình vào cây bút viết cho chắc. May mắn nó cũng sáng dạ nên học chữ rất nhanh".
Cô Hằng cho biết thêm: Nguyệt sợ nhất mùa đông vì khi đó cơ thể em mệt và yếu hơn. Với một người không tự vệ sinh cá nhân cho bản thân mình được thì mùa đông là một nỗi ám ảnh kinh hoàng. Những ngày đầu tập đọc, Nguyệt đọc rất chậm, đọc không kịp chữ chạy trên tivi. Sau đó, Nguyệt quyết tâm tập đọc nhanh trên báo, trên sách rồi nhờ mẹ kiểm tra xem đọc đã đúng chưa. Dần dần, Nguyệt cũng có thể đọc viết thành thạo và bắt đầu viết những trang văn đầu tiên.
Ước mơ thấm đẫm từng trang văn
Chỉ riêng việc tự học chữ của một cô gái bị bại liệt đã là một kỳ tích nhưng Nguyệt còn là một cô gái có năng khiếu văn chương đáng nể với nhiều tác phẩm được xuất bản và lưu hành trên thị trường. Tính đến thời điểm này, cô đã có nhiều truyện xuất bản, trong đó 1 truyện dài hơn 400 trang, 4 truyện ngắn và một số truyện thiếu nhi được Nhà xuất bản Văn học ký bản quyền và phát hành trên toàn quốc.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyệt dài hơn 400 trang
Biết được niềm yêu thích văn chương của con, bố mẹ Nguyệt mua cho cô một chiếc máy tính xách tay, để mỗi khi cần Nguyệt chỉ việc gõ máy, vào mạng. Cũng từ đó, một thế giới rộng lớn, kỳ diệu mở ra trước mắt cô. Nguyệt được nghe, được xem nhiều hơn những câu chuyện bi ai, bất hạnh trong cuộc sống. Nguyệt nhận ra một điều, chính những người có số phận bất hạnh như mình lại chính là những mảnh ghép đặc biệt làm cho cuộc sống này sinh động, đa dạng và thú vị hơn. Từ đó, Nguyệt cũng không còn cảm thấy mặc cảm về sự thiếu sót trên cơ thể của mình.
Qua mạng xã hội, Nguyệt kết bạn trò chuyện với bạn bè khắp nơi, được tâm sự, chia sẻ với nhiều người có hoàn cảnh khác nhau. Cảm xúc trong cô cứ vậy mà đong đầy hơn. Nguyệt chia sẻ: "Em không chỉ sống với cảm xúc của riêng mình nữa, mà còn cảm nhận được cả những sự vui, buồn, lạc quan, tuyệt vọng... của bao người khác. Đó là những cảm xúc mà em tin rằng nó luôn tồn tại trong cuộc sống".
Vậy là mùa đông năm 2012, khi tròn 20 tuổi, Nguyệt bắt đầu viết những trang văn đầu tiên. Nguyệt miêu tả, em bước vào thế giới văn chương với một chút rụt rè, một chút háo hức, lạ lẫm nhưng rất say mê. Em như tìm thấy được chỗ bám víu của tâm hồn mình. Em không đi bằng đôi chân nữa, mà đi bằng những trang viết. Nguyệt viết hăm hở, vội vàng như sợ hãi ngày mai mình không còn sức để viết. Đôi bàn tay yếu ớt nhọc nhằn gõ từng con chữ. Đôi khi viết không kịp những dòng suy nghĩ, cô tỏ ra tức giận với chính cơ thể của mình. Nhưng cô nghĩ, mình phải làm được gì đó cho đời nên lại lạc quan và viết. Mẹ Nguyệt cười: "Thời gian đầu Nguyệt viết ngày, đêm. Để giữ sức khỏe cho nó vợ chồng tôi phải đặt ra quy định chỉ được ngồi viết đến 10h tối".
Sau hơn ba tháng vật lộn với con chữ, "đứa con tinh thần" đầu tiên dài hơn 400 trang của Nguyệt cũng hoàn thành. Cô đặt tên là "Em vẫn chờ anh", và "anh" ở đây chính là khát vọng sống không bao giờ tàn lụi. Nguyệt gửi bản thảo đến các nhà xuất bản, không lâu sau, nhà xuất bản Văn học đồng ý xuất bản tác phẩm của cô. "Đứa con" đầu tiên được khoác chiếc áo màu hồng - màu của sự mộng mơ, hy vọng và cũng là màu cô yêu thích nhất. Nguyệt chia sẻ: "Cuốn tiểu thuyết đầu tiên em viết rất bản năng, gần như là ghi lại những cảm xúc đầu đời em có được về cuộc sống. Nhưng có lẽ, dù sau này, những cuốn tiểu thuyết của em có đẹp hơn, sắc màu hơn, mạch lạc và trau chuốt hơn thì cũng không bao giờ có lại được cái "bản năng" đáng yêu ấy".
Nguyệt bảo, khó khăn lớn nhất trong khi viết tiểu thuyết không chỉ là cốt truyện mạch lạc, mà còn phải giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, sự kiên trì và đam mê để thể hiện cảm xúc trọn vẹn từ trang đầu đến trang cuối. Tâm sựvề ước mơ của mình, Nguyệt thật thà chia sẻ: "Em đã từng có rất nhiều ước mơ, em mong được trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho mình, em cũng từng mơ trở thành cô giáo để dạy chữ. Nhưng bây giờ, mơ ước của em là có sức khỏe, để mẹ đỡ vất vả, để có thể tiếp tục viết sách".
Mới đây, Nguyệt vừa hoàn thành cuốn truyện thiếu nhi có tên "Chuyến phiêu lưu đến xứ sở bên kia thác mây mù" dài hơn 200 trang, đã được nhà xuất bản Đinh Tị duyệt và sắp xuất bản. Cô gái tên "Trăng" cho biết vẫn sẽ tiếp tục viết văn cho dù cơ thể đang ngày càng yếu đi bởi "em không thể bỏ được văn chương, khi nó chính là nơi tâm hồn em nương tựa".
(Tổng hợp:NDT)
0 Nhận xét
Post a Comment