Home » Tiêu điểm
Thái Nguyên xuất hiện điểm dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Phú Bình.
Các đơn vị đã tổ chức tiêu hủy đàn lợn 52 con theo quy định. Với đàn lợn ngay cạnh nơi phát dịch nhưng xét nghiệm âm tính, cơ quan chức năng yêu cầu cam kết không được bán chạy, giết mổ. Ngày 5/3, theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Bình, tại 2 hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Úc Kỳ và xã Kha Sơn phát hiện tình trạng lợn ốm với biển hiện sốt cao, bỏ ăn, chết.
Ngày 6/3, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN-PTNT, UBND huyện Phú Bình và các phòng liên quan của huyện tiến hành kiểm tra thực tế tình hình dịch bệnh trên đàn lợn của 2 hộ chăn nuôi trên.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trực tiếp chỉ đạo phòng chống bệnh DTLCP Qua kiểm tra, tại đàn lợn hộ ông Nguyễn Văn Thạo (xóm Giữa, xã Úc Kỳ) gồm 52 con, trong đó có 5 lợn nái, 1 lợn thịt và 46 lợn con. Hộ ông Nguyễn Tiến Đạt (xóm Mai Sơn, xã Kha Sơn) có 20 con, trong đó 1 nái, 10 lợn con và 9 lợn thịt. Lợn có biểu hiện sốt cao, bỏ ăn, ủ rũ, nằm một chỗ. Theo báo cáo, gia đình đã sử dụng kháng sinh chữa trị nhưng không khỏi, một số con đã chết, qua kiểm tra lâm sàng và mổ khám bệnh tích bước đầu kết luận đàn lợn nghi mắc bệnh DTLCP.
VIDEO TÌM HIỂU VỀ DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
Chi cục Thú y tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành lấy mẫu huyết thanh, mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương. Kết quả trả lời xét nghiệm 8/10 mẫu dương tính với virus DTLCP tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thạo. Tại hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Đạt, mẫu bệnh phẩm âm tính với virus DTLCP. Ông Lê Đắc Vinh (Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên) cho biết, khu vực chăn nuôi lợn của gia đình ông Thạo nằm sát trục đường quốc lộ liên huyện (cách đường khoảng 30m). Ngoài ra, chủ hộ còn nuôi rất nhiều chim bồ câu. Được biết, gia đình lại mua và sử dụng thức ăn thừa của nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh để làm thức ăn cho lợn. Các đơn vị đã tổ chức tiêu hủy đàn lợn 52 con theo quy định của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thạo với tổng trọng lượng 1.366kg. Đối với đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Tiến Đạt, Chi cục Thú y Thái Nguyên yêu cầu gia đình cam kết không được bán chạy, giết mổ và giao cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý, tiếp tục theo dõi nếu vẫn tiếp tục ốm, cho lấy mẫu gửi xét nghiệm và xử lý theo quy định.
(Theo Nông nghiệp)
Vụ thảm sát Bình An:Đại diện Hàn Quốc quỳ gối xin lỗi người dân Bình Định
Tại lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Bình An, ông Roh Hwa Wook - Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập quỹ hòa bình Hàn Việt, đã cúi đầu, quỳ lạy để gởi lời xin lỗi đến nạn nhân, thân nhân gia đình nạn nhân trong vụ thảm sát Bình An xảy ra trong quá khứ
Chiều ngày 26.2, hàng ngàn người dân từ khắp nơi tại Bình Định và cả những người bạn đến từ đất nước Hàn Quốc xa xôi đã đến dâng hoa, thắp nén nhang trong lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Bình An (26.2.1966 -26.2.2016) diễn ra tại xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, Bình Định.
Cách đây 50 năm, từ ngày 23.1-26.2.1966, tại xã Bình An (nay là các xã Tây Vinh, Tây Bình và Tây An, huyện Tây Sơn) dưới sự chỉ huy của đế quốc Mỹ, chư hầu Nam Triều Tiên đã tổ chức nhiều đợt càn quét, đốt sạch nhà cửa, lúa gạo, trâu bò và sát hại 1.004 đồng bào vô tội.
Hàng ngàn người dân đã đến thắp hương tưởng niệm người dân đã ngã xuống trong vụ thảm sát Bình An cách đây 50 năm.
Bà Hồ Thị Chăm (83 tuổi, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) dù tuổi cao nhưng vẫn đến dự lễ
Giờ đây, vẫn còn chịu nỗi đau dai dẳng khi mẹ và em gái đã bị sát hại tại vụ thảm sát Bình An, ông Nguyễn Tấn Lân (65 tuổi, trú thôn An Vinh, xã Tây Vinh) nghẹn ngào: “Để phần nào vơi đi nỗi đau thương mất mát, chúng tôi đề nghị Chính phủ Hàn Quốc cần có nghĩa cử thân thiện và trách nhiệm đối với những gì đã gây ra trên mảnh đất này, nhất là những nạn nhân còn sống sót và thân nhân gia đình những nạn nhân bị sát hại trong vụ thảm sát tại xã Bình An và các xã lân lận của thị xã An Nhơn. Điều mong muốn sâu xa là hai dân tộc, hai quốc gia Việt - Hàn luôn có quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp lâu dài, nhân dân hai nước sống trong hòa bình và thịnh vượng”.
Những nén nhang thơm tưởng nhớ
Ông Roh Hwa Wook- Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập quỹ hòa bình Hàn Việt, đã cúi đầu, quỳ lạy để gởi lời xin lỗi đến người dân Bình Định trong vụ thảm sát cách đây 50 năm.
Tại buổi lễ, không kìm được xúc động, ông Roh Hwa Wook- Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập quỹ hòa bình Hàn Việt, nói: “Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát Bình An, thời gian cứ qua đi nhưng nỗi buồn, niềm đau vẫn còn đó. Một không gian chung sống ngày thường với cha mẹ, anh em, chòm xóm trong phút chốc đã thành mồ chôn. Chỉ riêng làng Gò Dài thôi đã có đến 380 người chết, vậy mà đến vụ thảm sát Bình An số người chết trong uất hận còn tăng lên 1.004 người. Xin lỗi, thành thật xin lỗi. Xin lỗi vì chuyện đã xảy ra từ rất lâu rồi mà đến nay tôi mới trễ tràng mang theo nhành hoa đến đây để xin được tạ lỗi. Biết nói cách gì đây để bày tỏ thấu lòng tôi. Xin lỗi, rất xin được tạ lỗi. Tôi sẽ phải luôn ghi nhớ điều này, tôi sẽ cố gắng hết mình để sự hy sinh của người đi trước không trở thành vô nghĩa”.
Vừa dứt lời, ngay tại buổi lễ, ông Roh Hwa Wook đã cúi đầu, quỳ lạy để gởi lời xin lỗi đến nạn nhân, thân nhân gia đình nạn nhân trong vụ thảm sát cách đây 50 năm.
Người dân Hàn Quốc dâng hoa để tưởng niệm tại di tích vụ thảm sát Bình An
Những cái cúi đầu…
và nén nhang thơm tưởng niệm người dân đã ngã xuống trong vụ thảm sát cách đây 50 năm
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tỏ lòng biết ơn thế hệ đi trước của dân tộc ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để mang lại hòa bình ngày hôm nay. Đồng thời, ông xin được chia sẻ những mất mát, đau thương mà thân nhân, gia đình của nạn nhân trong vụ thảm sát Bình An phải gánh chịu.
“Giới tri thức trẻ của Hàn Quốc đã nhiều lần đến Việt Nam và lên tiếng kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc, các tổ chức xã hội, cựu chiến binh Hàn Quốc... có hành động thiết thực nhằm bù đắp tội lỗi mà cha ông họ đã gây ra trong quá khứ như một lời tạ lỗi với đất nước Việt Nam. Những vòng hoa, những nén hương thơm, cúi đầu mặc niệm của các đoàn đại biểu Hàn Quốc tại di tích này đã nói lên phần nào sự hối hận, tiếc nuối trước quá khứ đau thương” - ông Dũng bày tỏ.
Samsung “phủi tay” trách nhiệm với các công nhân bị ung thư của mình?
Cuộc chiến giữa những người bảo vệ nạn nhân ung thư khi làm việc tại nhà máy Samsung với công ty Hàn Quốc đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Samsung Electronics vừa ra thông báo rằng họ đã ký một văn bản "quyết toán cuối cùng" dành cho các công nhân vị ung thư khi làm việc trong nhà máy bán dẫn của mình, nhưng một nhóm bảo vệ các nạn nhân cho biết rằng vấn đề chính vẫn chưa được giải quyết.
Baek Soo-Hyun, trưởng đoàn đàm phán Samsung Electronics, thông báo đã đạt được thỏa thuận nhằm cải thiện điều kiện sức khỏe và an toàn tại các nhà máy của công ty
Cuộc chiến dai dẳng
Sau nhiều năm phủ nhận những cáo buộc về mối liên hệ giữa các căn bệnh (bao gồm cả bệnh bạch cầu và các chất gây ung thư) với các nhà máy của hãng, cuối cùng công ty Hàn Quốc đã phải công khai xin lỗi các nạn nhân vào tháng 5/2014. Trong năm 2015, công ty đã phải thiết lập một quỹ bồi thường các nạn nhân mắc bệnh ung thư khi làm việc tại nhà máy của hãng.
Thỏa thuận có chữ ký của công ty điện tử Hàn Quốc cùng với hai nhóm đại diện cho các nạn nhân và người thân của họ, nhằm mục đích cải thiện điều kiện sức khỏe và an toàn tại các nhà máy đầu não của Samsung.
Theo thỏa thuận thì các bên đồng ý thành lập một ủy ban độc lập để tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng các phương tiện của Samsung và phát hành báo cáo về bất kỳ vấn đề.
Tài liệu từ các luật sư của các nạn nhân nói rằng, 244 nhân viên tại các nhà máy sản xuất chip và màn hình hiển thị của Samsung đã mắc phải bệnh bạch cầu do ảnh hưởng bởi các vấn đề độc hại tại nhà máy, trong đó đã có 87 nạn nhân chết.
Quỹ khủng để bồi thường
Vào tháng 8/2015, Samsung cho biết sẽ tạo quỹ 85,8 triệu USD để bù đắp những thiệt hại xảy ra với công nhân bị ung thư và gia đình của họ.
Nhiều công nhân nhà máy Samsung đã bị ung thư do tiếp xúc với bức xạ hay hóa chất nguy hiểm
Trong tuyên bố của mình, Samsung cho biết quỹ được dùng để thanh toán cho các công nhân hoặc gia đình có người bị bệnh khi đang làm việc tại các nhà máy của công ty, bao gồm cả nhà thầu. Bên cạnh đó, quỹ cũng được sử dụng để chi trả cho các chuyên gia nghiên cứu - phát triển, và các biện pháp cải thiện điều kiện an toàn lao động.
Trước đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Samsung, ông Kwon Oh-hyun, hứa sẽ bồi thường cho gia đình các nạn nhân. Nhưng ông Kwon cũng nói rõ rằng, Samsung vẫn giữ quan điểm là họ sẽ không chịu trách nhiệm về việc công nhân mắc bệnh hay tử vong.
Nhiều nạn nhân vẫn chưa đồng ý thỏa thuận
Trong tuyên bố mới đây, công ty đã làm việc với các ủy ban hòa giải nhằm mục đích thực hiện “quyết toán cuối cùng” mà họ đưa ra. Theo công ty, bản quyết toán này bao gồm tất cả mọi thứ đã được giải quyết, nhưng công ty phải cần có một một sự chấp thuận từ các bên liên quan để quyết định của mình được thực hiện.
Mặc dù vậy, Banolim (một trong những nhóm đại diện cho các nạn nhân do Hwang Sang-gi, cha của một nạn nhân mắc ung thư đã chết khi làm việc tại nhà máy của Samsung) cho biết thỏa thuận này không được thừa nhận vì vấn đề cốt lõi là bồi thường và xin lỗi. Cụ thể, Banolim cho rằng những lập luận về lời xin lỗi và quỹ từ Samsung trong báo cáo của Samsung đưa ra là không chính xác, vì nó không nhận được sự chấp thuận hoàn toàn từ tất cả các gia đình của nạn nhân.
Di ảnh Hwang Yumi, một trong những nạn nhân đã chết vì mắc ung thư khi làm việc tại nhà máy của Samsung
"Samsung đã từ chối thảo luận về các vấn đề liên quan đến lời xin lỗi cũng như bồi thường cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu Samsung thực hiện những điều mà hãng phải có trách nhiệm", Kwon Young-Eun, một thành viên của nhóm Banolim cho biết.
Về phía Samsung, công ty nói rằng họ đã bồi thường tài chính cho hơn 100 nạn nhân trong số 150 nạn nhân được xác định bồi thường trong quỹ mà hãng lập ra để giải quyết vấn đề./.
Phương Thu/VOV.VN Theo The Guardian
Quảng Bình:Chuyện em gái đỗ đại học nhưng không được nhặp học , Bộ công an đã quyết định tuyển em vào học.
TNTT-Tổng cục Chính trị Công an nhân dân đã quyết định để em Bùi Kiều Nhi, thí sinh được 29 điểm nhưng vẫn trượt đại học, vào học tại Học viện Chính trị công an nhân dân.
Bộ Công an đã quyết định nhận thí sinh Bùi Kiều Nhi vào học tại Học viện Chính trị An ninh nhân dân - Ảnh: Hoàng Phúc
Chiều 18-9, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân (Bộ Công an) cho biết Tổng cục Chính trị Công an nhân dân đã quyết định để em Bùi Kiều Nhi vào học tại Học viện Chính trị công an nhân dân. "Chúng tôi đã tổ chức họp bàn, xem xét kỹ lưỡng hồ sơ của em Bùi Kiều Nhi và đối chiếu với các quy định trong ngành. Tổng cục Chính trị đã thống nhất đồng ý chiếu cố tiêu chuẩn về chính trị cho em Nhi. Chúng tôi đã có văn bản gửi Công an tỉnh Quảng Bình thông báo về việc này” - tướng Cẩn cho biết.
Cũng theo Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, trong ngày 18-9, Học viện Chính trị Công an nhân dân đã có văn bản thông báo trúng tuyển đại học gửi tới gia đình em Bùi Kiều Nhi. Công an tỉnh Quảng Bình sẽ có trách nhiệm giúp thí sinh này bổ sung lý lịch đầy đủ và trung thực theo đúng quy định của Bộ Công an để làm thủ tục nhập học trong thời gian tới.
(Theo tin:báo người lao động)
Quảng Bình:Thật cảm thương em gái đỗ đại học nhưng không được nhập học vì hành vi của người cha đã mất
TNTT-Em đang mong chờ từng ngày thư trả lời của Bộ trưởng Công an và Bộ trưởng Giáo dục về trường hợp đặc biệt của mình.
Em Nhi đang rất mong thư trả lời của các bộ trưởng |
Kết quả thi Đại học của Nhi |
Bố gây lỗi lầm, con vô tình gánh chịu
Trong khi bạn bè đã lên đường nhập học, với số điểm khối C đạt 27,5 (chưa có điểm ưu tiên) em Bùi Kiều Nhi (SN 1997) trú tại thôn Sơn Ngọc, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) vẫn…rớt đại học.
Những ngày này, người dân xã Đức Hóa vẫn chưa thôi bàn tán câu chuyện của Nhi, chỉ vì vô tình mà với số điểm gần như tuyệt đối vẫn không thể đi học đại học.
Em là con thứ 2 trong một gia đình có 4 anh chị em, bố Nhi mất cách đây 2 năm. Biết mẹ vất vả nuôi 4 chị em ăn học và ước mơ cháy bỏng được đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an nhân dân, năm nay em đăng kí thi đại học vào ngành Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước của Học viện chính trị Công an Nhân Dân.
Với môn Văn đạt 8,75 điểm - Sử 9 - Địa 9,75 và 1,5 điểm cộng ưu tiên, em xuất sắc xếp ở vị trí thứ 2 trong ngành mà mình lựa chọn với số điểm tổng 29.
Ngày nhận giấy báo nhập học, gia đình, bạn bè và cả bố ở nơi chín suối chắc cũng đang mỉm cười hạnh phúc và tự hào về con gái.
Em kể: “Khi bố còn sống, em vẫn hay nói nguyện vọng sau này muốn được đứng trong hàng ngũ của lực lượng vũ trang, bố rất vui và luôn tin tưởng, ủng hộ em.
Nhưng đến ngày 1/9, em nhận được công văn của Công an huyện Tuyên Hóa về việc mình “thiếu trung thực” trong phần khai lý lịch và xét về phẩm chất đạo đức, em không đảm bảo và không đủ điều kiện để nhập học các trường Công an nhân dân”.
Trò chuyện với chúng tôi, Nhi cho biết: “Khi nhận được công văn của Công an huyện thực sự em rất choáng. Bố em bị kết án trước khi cưới mẹ nên em cũng chưa bao giờ nghe ai trong gia đình kể cả bố nhắc đến chuyện này. Vì không biết nên em mới ghi vào hồ sơ như thế”.
Còn chị Phạm Thị Thanh Bình (SN 1971- mẹ Nhi) cũng cho biết: “Vì chồng phạm tội trước khi kết hôn, lại là án treo nên tôi cũng không để ý. Giờ chỉ thương Nhi, thương ước mơ cả đời của con”.
Và 5 bức tâm thư gửi hai Bộ trưởng
Công văn của Công an huyện Tuyên Hóa |
Em đã khóc rất nhiều, cuối cùng, được sự động viên của gia đình và bạn bè Nhi quyết định viết tâm thư gửi cả hai bộ trưởng Bộ Công an và Bộ Giáo dục.
Trong ba bức thư viết tay gửi bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Nhi đã nói rõ về hoàn cảnh, về sự vô tình không biết quá khứ của bố dẫn đến kết quả không hay như ngày hôm nay.
Em vẫn rất mong muốn được đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an và rất mong thư phản hồi của bộ trưởng.
Em cũng đã gửi hai bức thư, một bức thư viết tay mà một bức thư gửi qua mail cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận. Em đã trình bày lí do vì sao với số điểm thi đại học là 29 mà em vẫn chưa thể đi học đại học. Nếu không thể vào được ngành Công an, em muốn được học ngành Tiểu học của Trường ĐHSP Huế.
Trao đổi về vấn đề này, một vị cán bộ Công an huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho biết: “Chúng tôi chỉ là những người hướng dẫn cho các em làm hồ sơ theo quy định của Bộ công an. Trong quy định của Bộ cũng có phần cam kết của thí sinh và gia đình về việc cung cấp các thông tin đó. Nếu có vấn đề gì không trung thực thì thí sinh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Đối với trường hợp của thí sinh Bùi Kiều Nhi, bản thân tôi cảm thấy rất đáng tiếc.
(tổng hợp:Theovietnamnet)
Hà Tĩnh: Xót xa phát hiện 2 mẹ con chết trong tư thế treo cổ tại phòng ngủ
TNTT-Công an thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) điều tra nguyên nhân cái chết của hai mẹ con chị Thái Thị Xoan (24 tuổi) và con trai Nguyễn Văn Đức (2 tuổi, trú khối 5, phường Bắc Hồng).
Nhiều người hiếu kỳ tập trung trước cổng nhà nạn nhân.
Theo đó khoảng 6h30 sáng 8/9, người thân và người dân bàng hoàng khi phát hiện hai mẹ con chị Xoan chết trong tư thế treo cổ ở phòng ngủ.
Ông Lê Minh Dụ - tổ trưởng tổ dân phố 5 - cho biết: “Trong phòng ngủ, chị Xoan cùng cháu Đức dùng hai sợi dây dù màu xanh để treo cổ”.
Theo hàng xóm, chị Xoan sống vui vẻ hòa thuận, mấy ngày hôm không có điều gì bất thường. Người phụ nữ này làm nghề buôn bán ở chợ thị xã Hồng Lĩnh, chồng đang đi xuất khẩu lao động ở Đức hơn một năm nay.
Cũng ngay trong sáng 8/9, Công an thị xã Hồng Lĩnh phối hợp với cơ quan chuyên môn của Công an tĩnh Hà Tĩnh đã khám nghiệm tử thi điều tra làm rõ vụ việc.
(Tổng hợp)
Truy tìm tung tích cặp ấn kiếm của vua Bảo Đại
TNTT - Chiều ngày 30/8/1945 tại Quảng trường Ngọ Môn (Huế), trong lễ thoái vị của vua Bảo Đại, nhà sử học Trần Huy Liệu thay mặt phái đoàn đại diện Chính phủ VNDCCH đón nhận cặp ấn kiếm từ vị vua cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Ngay hôm sau, đoàn mang quốc ấn và quốc kiếm đưa về Hà Nội. Kể từ ngày ấy, người dân Việt Nam ai cũng nghĩ quốc ấn và quốc kiếm đã được cơ quan có trách nhiệm gìn giữ như những bảo vật quốc gia khác. Không ngờ, sau ngày Toàn quốc kháng chiến, cặp ấn kiếm lịch sử này lại rơi vào tay người Pháp.
Chiếu thoái vị chính thức chấm dứt chế độ quân chủ ở Việt Nam, được vua Bảo Đại viết vào ngày 25/8/1945 tại điện Kiến Trung. Ngày 29/8, khi làm việc với phái đoàn đại diện Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ Hà Nội vào, vua Bảo Đại đã trao tờ chiếu cho vị trưởng đoàn là nhà Sử học Trần Huy Liệu. Ông Trần Huy Liệu đã đạt được thỏa thuận với vua Bảo Đại là sẽ tổ chức một buổi lễ để nhà vua công khai tuyên bố trước quốc dân đồng bào, để mọi người đều được biết sự cảm hóa của cách mạng tháng Tám, và nhà vua đã tự nguyện thoái vị, trao quốc ấn và quốc kiếm, bảo vật tượng trưng cho quyền lực của vương triều.
Chiều ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại mặc triều phục đọc bản chiếu thoái vị trước hàng vạn người dự mít tinh ở Quảng trường Ngọ Môn. Trong hồi ký Trần Huy Liệu viết, đọc xong tờ chiếu, vua Bảo Đại “giơ hai tay dâng lên chiếc kiếm dài nạm ngọc và sau đó là chiếc ấn vàng hình vuông. Tôi thay mặt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận hai vật tượng trưng của chế độ phong kiến. Cùng với ấn kiếm còn có một chiếc túi gấm đựng một bộ quân cờ bằng ngọc và những thứ quý giá khác”.
Lính ngự lâm dâng ấn kiếm trong lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh tư liệu của Nguyễn Đắc Xuân.
Rơi vào tay người Pháp
Theo nhiều tài liệu lịch sử, báo chí, đặc biệt là hồi ký của cụ Phạm Khắc Hòe, Ngự tiền Văn phòng Tổng lý của vua Bảo Đại, chúng ta được biết vào tháng 12/1946, nhiều tài liệu quan trọng, các bảo vật của nhà nước được chuyển lên An toàn khu, hoặc chôn giấu ở Hà Nội. Cuối năm 1946, trong lúc đào đất xây dựng công trình quân sự ở ngoại thành Hà Nội, lính Pháp tìm thấy một cái thùng dầu hỏa bằng sắt, bên trong đựng một cái ấn và một cái kiếm bị bẻ gãy làm đôi. Ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại. Sự kiện này được báo Paris Match dành một số đặc biệt đăng bài tường thuật, có nhiều hình ảnh minh họa là tư liệu lịch sử vô cùng quý giá.
Người Pháp trả lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại là có lý do chính trị. Khi thành lập cái gọi là “Chính phủ quốc gia” do Bảo Đại đứng đầu, người Pháp long trọng tổ chức lễ trả lại ấn kiếm nhằm gây tác động tâm lý đối với nhân dân vùng tạm chiếm, với hàm ý “vua đi rồi vua lại về”. Vua Bảo Đại thoái vị ngày 30/8/1945, nay cựu hoàng Đại đã trở về làm Quốc trưởng.
Năm 1996, một nhân chứng quan trọng là bà Mộng Điệp, thứ phi của vua Bảo Đại, kể chuyện này với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Huế) khi ông “Qua Pháp tìm Huế xưa”, như sau: “Họ trả lại ấn kiếm cho nhà Nguyễn nhưng ông Bảo Đại lúc ấy đang nghỉ mát ở bên Tây, không ai đủ tư cách để nhận lại cả. Ông Lê Thanh Cảnh làm việc cho Pháp thấy thế gọi dây nói lên Buôn Mê Thuột gặp tôi. Nhưng tôi chưa thấy những báu vật ấy bao giờ, không biết có đúng hai cái ấn kiếm mà ông Bảo Đại đã trao cho ông Trần Huy Liệu năm 1945 hay không (!). Tôi phân vân nên đã mời Đức Từ Cung ở Huế đi tàu bay lên.“Chính tay tôi đã lau chùi cặp ấn kiếm khi ông Lê Thanh Cảnh đi tàu bay từ Hà Nội đem lên Ban Mê Thuột giao cho tôi. Cái kiếm bị gãy làm đôi. Tôi nhờ hai người hầu cận là anh Tứ Lang và anh Thừa Tể đi hàn lại. Hai anh đem cái kiếm đi hàn rồi nhờ người ta mài để không còn thấy dấu vết gãy. Còn cái ấn bằng vàng, chính tay tôi cân nặng 12,9 kg.Bà Mộng Điệp kể
Hôm đón ấn kiếm, Đức Từ Cung bắt phải đặt lên một cái bàn ở sân bay Buôn Mê Thuột, phủ khăn đỏ, lạy ấn và kiếm năm lạy rồi mới được phép đưa về Dinh. Sau đó ông Bảo Đại về, tôi nói: “Ấn kiếm Ngài đã trao cho phái đoàn ông Trần Huy Liệu, không hiểu sao lại rơi vào tay người Pháp. Vừa rồi họ gọi trả lại cho Ngài”. Ông Bảo Đại đến giật cái khăn đỏ ra và bảo: “Ờ! Đúng rồi.. Ngày xưa những thứ nầy ra đi nó cứu mạng anh. Bây giờ tự nhiên nó lại về có lẽ mình sắp chết rồi!”. Tôi nói:” Sao lại chết? Đáng lẽ Ngài mừng mới phải?”. Ông nói đùa với tôi: “Mừng vì nó gần 13 ký lô vàng chứ gì? Bởi thế em mới cho người canh gác cẩn thận!”. Để khỏi sợ mất một lần nữa, ông Bảo Đại giao cho Nguyễn Duy Trinh (em ruột Nguyễn Duy Quang) ở Sài Gòn đóng một cái cốp sắt đem lên để giữ hai báu vật nầy và một cái mũ của vua Gia Long do Đức Từ Cung mang từ Huế lên. Cái mũ nầy bện bằng tóc, có kết chín con rồng tí tí bằng vàng. Năm 1953, chiến tranh trở nên ác liệt, không dám đem cặp ấn kiếm về Huế. Cuối cùng ông Bảo Đại viết giấy giao cho tôi mang sang Pháp cùng với một số tư trang. Sau đó tôi giao hai báu vật ấy lại cho Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng tử Bảo Long. Khi tôi đem sang giao có mặt các ông Nguyễn Đệ, Nguyễn Duy Quang, Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Bích (con ông Phạm Quỳnh). Bốn người bưng hai cái ấn kiếm lên và giúp bà Nam Phương đưa vào tủ sắt”…
Ấn Hoàng đế chi bửu. Ảnh tư liệu của Nguyễn Đắc Xuân.
Cha giữ ấn, con giữ kiếm?
Chiếc ấn được vua Bảo Đại trao cho đại diện Chính phủ VNDCCH vào ngày 30/8/1945 là một trong hàng chục ngọc tỷ và bửu ấn của triều Nguyễn. Theo các công trình nghiên cứu về ấn chương, bửu tỷ, triều Nguyễn có 24 kim tỷ và ngọc tỷ (ấn bằng vàng và bằng ngọc), được xếp vào loại Quốc bảo. Mỗi ấn được sử dụng cho một loại văn bản nhất định.
Theo ông Paul Boudet - người đã được ông Phạm Quỳnh, với sự đồng ý của vua Bảo Đại, cho xem các tỷ, ấn của các vua Nguyễn được bảo quản trong điện Càn Thành, thì các vua Nguyễn có đến 46 chiếc tỷ, ấn mà phần lớn được chế tạo sau thời Minh Mạng cho đến thời Khải Định. Sau Cách mạng tháng 8/1945 những bảo vật này được bàn giao cho Chính phủ Việt Nam DCCH. Người nhận bàn giao là ông Lê Văn Hiến, nguyên Bộ trưởng bộ Tài Chính. Hiện tại phần lớn kim tỷ và ngọc tỷ triều Nguyễn đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Cặp ấn kiếm do vua Bảo Đại trao cho chính quyền Dân chủ Nhân dân trong ngày đầu lập quốc được quan tâm đặc biệt là vì giá trị lịch sử của nó.
Cũng theo bà Mộng Điệp, sau khi Hoàng hậu Nam Phương qua đời (1963), cặp ấn kiếm lịch sử đó nằm trong tay Hoàng thái tử Bảo Long. Năm 1980, ông Bảo Đại xuất bản tập hồi ký Le Dragon d’ Annam (Con rồng An Nam), ông muốn dùng con dấu lịch sử đó để làm vi-nhét đặt vào cuối các chương hồi ký nhưng Bảo Long không cho mượn. Ông Bảo Đại hết sức bực mình nhưng không làm gì lay chuyển được Bảo Long. Cuối cùng ông Bảo Đại phải dùng con dấu “Việt Nam ngự tiền văn phòng” của ông Nguyễn Đệ thay cho khuôn dấu của vị Hoàng đế nước Nam.
Theo các tác phẩm “Qua Pháp tìm Huế xưa” và “Hỏi chuyện đời bà thứ phi Mộng Điệp với cựu hoàng Bảo Đại” của Nguyễn Đắc Xuân, thì cặp ấn kiếm Bảo Long giữ được gửi tủ sắt của Liên hiệp Ngân hàng châu Âu (Union des banques européennes). Sau ngày xuất bản cuốn Le Dragon d’ Annam (1980) và sau ngày Bảo Đại làm giấy hôn thú với bà Monique Baudot (1982), ông Bảo Đại làm đơn kiện con trai Bảo Long đòi lại cặp ấn kiếm. Toà xử Bảo Long được giữ cây kiếm và giao lại chiếc ấn cho Bảo Đại. Đó chính là chiếc ấn lịch sử mà cả dân tộc Việt Nam đã và đang quan tâm.
Bà Mộng Điệp kể: “Chính tay tôi đã lau chùi cặp ấn kiếm khi ông Lê Thanh Cảnh đi tàu bay từ Hà Nội đem lên Ban Mê Thuột giao cho tôi. Cái kiếm bị gãy làm đôi. Tôi nhờ hai người hầu cận là anh Tứ Lang và anh Thừa Tể đi hàn lại. Hai anh đem cái kiếm đi hàn rồi nhờ người ta mài để không còn thấy dấu vết gãy. Còn cái ấn bằng vàng, chính tay tôi cân nặng 12,9 kg. Cái núm ấn hình con rồng. Con rồng uốn cong và ngóc đầu lên. Con rồng không được sắc sảo lắm, có đính hai hạt ngọc đỏ, trông giống như con rắn”.
Theo ông Trần Huy Liệu, chiếc ấn nặng 7 kg vàng. Ông Phạm Khắc Hoè viết: “chiếc quốc ấn bằng vàng (ấy) nặng gần 10 kilôgam”. Theo Lê Văn Lân, tác giả cuốn “Chiếc bảo ấn cuối cùng của Hoàng đế Việt Nam” (xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1998) thì chiếc ấn nặng 280 lượng 9 chỉ 2 phân vàng mười tuổi = 10,534 kg vàng. Chiếc ấn lịch sử ấy có tên là Hoàng đế chi bửu, hình vuông, mỗi cạnh dài 12 cm; dày 2 cm; cuốn núm hình con rồng lượn cong. Ấn Hoàng đế chi bảo đúc năm Minh Mạng thứ tư (1823); được đóng lên các bản cáo dụ quan trọng ban xuống.
Còn chiếc kiếm, cũng theo tài liệu của Lê Văn Lân, trên vỏ có khắc dòng chữ “Khải Định niên chế”. Tức là chiếc kiếm ra đời trong khoảng các năm từ 1916-1925. Chuôi kiếm nạm ngọc. Hình dáng chung của kiếm rất đẹp. Giá trị vật chất cũng như niên đại của cây bảo kiếm không bao nhiêu, nhưng nó được xem là quốc bảo vì giá trị lịch sử. Đó là một vật chứng quan trọng góp phần khẳng định sự thành công vang dội của cuộc Cách mạng Dân chủ tháng Tám năm 1945.
Sau 70 năm kể từ ngày cặp ấn kiếm của triều Nguyễn được trao cho chính quyền nhân dân, cặp quốc bảo này vẫn đang lưu lạc ở trời Tây. Chúng ta phải có trách nhiệm tìm kiếm cho bằng được địa chỉ lưu trú của cặp ấn kiếm lịch sử này, và bằng con đường chính trị ngoại giao, hay ngoại giao văn hóa, để có một ngày “châu về hợp phố”.
(Theo tin:báo tiền phong)
(Theo tin:báo tiền phong)
Hơn 18000 phạm nhân được đặc xá nhân ngày Quốc khánh 2/9.
TNTT- Hôm nay, 31/8, tại nhiều trại giam, tạm giam trên cả nước công bố Quyết định đặc xá cho hơn 18.000 phạm nhân năm 2015. Trong số đó có 2.000 phạm nhân nữ và hàng chục phạm nhân có quốc tịch nước ngoài.
Các phạm nhân được đặc xá tại Trại giam Thanh Xuân. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Việc đặc xá sẽ được thực hiện trước ngày Quốc khánh mùng 2/9 để người được đặc xá có thể về đoàn tụ người thân, gia đình trong dịp lễ lớn của đất nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2015 trao quyết định đặc xá cho các phạm nhân. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Nữ phạm nhân chờ nhận quyết định đặc xá. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Đối tượng đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước năm 2015 bao gồm người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đủ điều kiện được đặc xá.
Tại Trại giam Thanh Xuân (huyện Thanh Oai, Hà Nội) sáng nay đã diễn ra lễ công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho các phạm nhân đang chấp hành án tại đây.
Tham dự buổi lễ công bố có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2015; đồng chí Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục VIII, Bộ Công an; đồng chí Lê Thị Hà, Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai; đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc CATP Hà Nội; đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội; đồng chí Đại tá Hoàng Văn Hiệp, Giám thị trại tạm giam Thanh Xuân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2015. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Quyết định đặc xá cho một phạm nhân chịu án tù về tội Cướp giật tài sản tại Trại giam Thanh Xuân. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2015 cho biết: Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám thành công và quốc khánh 2/9, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đặc xá cho các phạm nhân cải tạo tốt. Đây là truyền thống nhân văn, nhân đạo của dân tộc ta. 70 năm nay, chúng ta đã có 40 lần đặc xá. Đặc biệt, từ khi có Luật đặc xá từ năm 2006 đến nay, chúng ta đã đặc xá cho hơn 62.000 phạm nhân. Quá trình đặc xá được làm công phu, minh bạch, công khai, dân chủ, được nhân dân cả nước đồng tình, thế giới hoan nghênh và đánh giá cao.
Một phạm nhân quốc tịch Malaysia (đeo kính) chấp hành án phạt tù tại Trại giam Thanh Xuân được đặc xá lần này. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Trao quyết định đặc xá cho các phạm nhân. Ảnh: Lê Dương
Đỗ Xuân Thắng, SN 1972, trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội chịu án phạt 7 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tươi cười trong ngày được đặc xá. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Chờ đón người thân được đặc xá. Ảnh: Lê Dương
Theo Phó Thủ tướng, trong số các phạm nhân được đặc xá, tha tù trước thời hạn, trở về với gia đình, với địa phương, rất nhiều người đã làm ăn lương thiện, trở thành công dân tốt, thành người cha, người mẹ gương mẫu. Cũng có nhiều người trở thành người giàu có, giải quyết công ăn việc làm cho lao động khác. Nhân dân cả nước, chính quyền địa phương đã tạo nhiều thuận lợi cho các phạm nhân được đặc xá về làm ăn tại địa phương. Vì vậy, phần lớn, các phạm nhân được đặc xá trước thời hạn ít tái phạm, chỉ trừ rất ít trường hợp vi phạm bị xử lý.
'Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thay mặt Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương năm 2015, tôi nhiệt liệt chúc mừng tất cả các phạm nhân được đặc xá lần này', Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Cũng tại buổi lễ, Đại tá Hoàng Văn Hiệp, Giám thị Trại giam Thanh Xuân đã lên công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho 299 phạm nhân đang chấp hành án tại đây nhân dịp 2/9/2015.
XEM THÊM VIDEO: Niềm vui trước ngày đặc xá
Tại Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội sáng nay tổ chức trao quyết định đặc xá cho 168 phạm nhân.
Trong số 168 phạm nhân được đặc xá dịp này, phạm nhân được tha tù trước thời hạn với thời gian nhiều nhất là 2 năm; phạm nhân lớn tuổi nhất 66 tuổi, phạm nhân nhỏ tuổi nhất 19 tuổi.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an Hà Nội chúc mừng các phạm nhân được đặc xá, tha tù trước thời hạn, đồng thời đề nghị gia đình, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ, giáo dục, hướng nghiệp cho con em mình, cũng như rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội.
Tại trại Hoàng Tiến (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) công bố quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 491 phạm nhân đang chấp hành án tại đây.
Trong số các phạm nhân được đặc xá có anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý từng gây ra vụ nổ súng chống cưỡng chế tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) xảy ra ngày 5/1/2012
Các phạm nhân tại trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương) được đặc xá. Ảnh: Đỗ Hoàng
Anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý ngồi hàng ghế đầu chờ công bố danh sách những phạm nhân được đặc xá. Ảnh: Đỗ Hoàng
Anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý cùng bị tòa phúc thẩm TAND tối cao tuyên phạt mức án 5 năm tù về tội giết người do đã nổ súng hoa cải làm 7 cán bộ công an, bộ đội trong lực lượng cưỡng chế thu hồi đất bị thương. Sau thời gian tạm giam, anh em ông Vươn đã thụ án tại trại giam Hoàng Tiến. Do quá trình cải tạo tốt, anh em ông Vươn được đặc xá tha tù trước hạn 11 tháng 9 ngày. (Xem thêm tại đây)
Tại trại giam An Phước (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) sáng nay cũng tổ chức Lễ Công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho 561 phạm nhân của trại cải tạo tốt.
Các phạm nhân chờ nghe công bố quyết định đặc xá tại giam An Phước. Ảnh: Văn Minh - Ngô Bình
Những người được đặc xá nhận tiền hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Văn Minh - Ngô Bình(Tổng hợp:báo tiền phong)
30 nghìn người tổng duyệt diễu binh dưới mưa lớn
TNTT-Đoàn diễu hành gồm đại diện các lực lượng vũ trang, các tầng lớp quần chúng... xuất phát từ Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) đi qua nhiều con phố trong lễ tổng duyệt tối 29/8, chuẩn bị cho ngày Quốc khánh.
Tối 29/8, hàng chục nghìn người tập trung trước Quảng trường Ba Đình trong lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đúng 8h tối, đoàn xe mang hình Quốc huy cùng biểu trưng 70 năm thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao quanh là đại diện sắc áo các dân tộc tiến vào lễ đài.