(Thái Nguyên news)-Câu chuyện của nam sinh Nguyễn Lê Huy, trường ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên được đăng trên fan page của cuộc thi “Sinh viên Việt Nam – Những câu chuyện đẹp” đang thu hút sự chú ý của cộng đồng sinh viên.
Huy cho biết cậu gửi câu chuyện của mình tham dự cuộc thi này nhằm gửi gắm một lời nhắn nhủ chân thành tới các bạn đồng trang lứa: đừng rơi vào vũng lầy ăn chơi sa đọa như cậu đã từng.
Câu chuyện được Huy đặt tên là “Một lần vay, một lần lầm lỡ”.
Ảnh minh họa
“Chuyện xảy ra từ những ngày giữa thu năm 2014, một chú nhóc mới tốt nghiệp THPT như tôi đang chập chững bước những bước đầu tiên trên mái trường Đại học Khoa Học. Tôi ngơ ngác như đứa trẻ lớp vỡ lòng đi học buổi đầu tiên mới thoát khỏi bàn tay ấm áp của mẹ. Lúc đó trong tôi là một thứ cảm xúc hỗn độn, lâng lâng bao trùm.
Đi học, tôi cũng dần quen bạn quen thầy cô mới. Vì bạn bè quanh tôi lúc này vui hết nấc, tôi đi chơi hết tầm đến đứt cả tay ga xe máy cũng chả chán. Một ngày trôi qua, rồi hai ngày, ba ngày, bốn ngày... Cả tháng trời tôi đắm mình vào những trò chơi, những chuyến ngao du, những chuyến đi tưởng rằng chả bao giờ có hồi kết. Để thỏa mãn cơn mê man niềm vui của bản thân tôi chả tiếc gì vài ba triệu, ôi bèo bọt, cả chục triệu chả tiếc vì nhà tôi cho tôi tiền thì tôi tiêu thôi. Tôi được phép chơi.
Học ư? “Học mà như chơi, chơi cũng như học rồi”. Thế rồi những khoản tiền gia đình chu cấp chẳng đủ cho tôi ăn chứ chơi sao được. Tôi nghĩ, “Thôi bỏ tiền học phí ra đi chơi đã tính sau”, thế rồi sau những cơn vui tôi mới sực nhớ tôi chẳng biết bới đâu tiền nộp học phí.
Đúng lúc tưởng chừng như tuyệt vọng ung thư giai đoạn cuối, thế mà được cứu. Trời có mắt mà, quanh trường tôi có thiếu gì quán cầm đồ, cho vay qua thẻ, nhiều không sao kể được độ nhiều của nó. Thế là tôi vay thôi. Ba triệu nộp học phí và ba mươi triệu tiền chơi bời đập phá. Lúc đó, với tôi ôi sao mà “hết nấc”, đập phá đi thôi sợ chi đời.
Tôi trở về phòng sau nhưng trận chơi trong men say, và là là khói thuốc mờ ảo. Cũng nên thơ, nhưng bài thơ vô hình tôi đang viết mang tên hư hỏng. Hàng ngày số lãi mà tôi vay lên tới cả gần triệu, là sinh viên đi học còn chẳng xong bây giờ lại phải đi làm trả nợ sợ chết khiếp. Thôi, vay thêm mà trả lãi có hơn không. Vậy đấy, chẳng ai ngờ rằng hai từ “hơn không” này đã cướp đi trong tôi nhưng gì trong sáng, thuần khiết, ngoan ngoãn nhất.
Trong tôi ngày đó nghĩ đơn giản thôi. Làm sao kiếm được tiền để trả nợ bằng cách này hay cách khác, đủ thứ trên đời. Lấy tiền của gia đình, vay tiền bạn bè không trả. Ôi đủ thứ để đạt được một chữ “tiền”. Suốt hơn một năm qua, tôi vẫn sống như vậy. Khoác cặp bước ra khỏi nhà mà chả biết đi đâu để nhặt được tiền, những người bạn một thời sống chết nay mất tăm như bị mất tích giữa dòng người chen chúc.
Tôi ngày càng trở lên cô độc vô hồn, cảm xúc quanh tôi trở lên trắng xóa màu sắc của sự bạc bẽo, như một thứ virus ăn sạch bộ nhớ không thể khắc phục. Ngày ngày tôi đi ngang qua những giảng đường mới xây dựng của Trường Đại học Khoa Học sừng sững cao vút… Nhìn mà tiếc, nhìn mà xấu hổ, tôi đâu dám bước chân vào bên trong lớp học thân thương của tôi trước đây khi thân mình nợ nần như tội phạm chờ thời gian để hành quyết.
Tôi cứ đi mà vô định sống, gia đình với tôi lúc đó sao mà đơn giản thế có cũng được mà chẳng có cũng chẳng sao. Xung quanh tôi là một mầu đen tuyền không kiếm đâu ra ánh sáng, thứ anh sáng duy nhất lúc này chỉ là tiền, tiền vậy là quá đủ. Suốt hơn một năm tôi cứ sống như vậy bỏ bê học hành, quên đi mất mình vẫn có một gia đình yêu thương đang hi vọng.
Tôi chỉ biết kiếm đồng tiền bằng mọi cách để quăng vào nhưng trò chơi may rủi, lô đề, cờ bạc, thầm ước được may mắn như một bộ phim thần thoại mới manh nha khởi chiếu. Tôi còn nhớ những cảm giác có chút tiền, lúc đó đâu dám chơi gì mà đóng lãi thôi đã tài năng lắm rồi. Tôi cảm thấy mình thông minh vậy khó vậy mà mình cũng xoay được ra. Có nào ngờ, đó không phải sự thông minh mà là ngu ngốc đến tận cùng, giờ đây tôi phải ngồi để ân hận vì những lần vay tiền chóng vánh chả thể ngờ được.
Thế rồi, việc tôi phải bỏ nhà đi vì không đủ khả năng chi trả số tiền lên tới gần trăm triệu kia đã không còn xa nữa. Không biết bao nhiêu lần tôi nghĩ một góc khuất nào đó của dòng Sông Cầu ôm lấy Thái Nguyên quê tôi sẽ là nơi tôi trút bỏ gánh nặng. Mỗi lần đứng trước dòng sông tôi trở nên nhỏ bé trong tôi điên đảo những cụm từ giá như, giá mà, muộn rồi…. Nhưng tôi nào đâu dám nhảy vì tiếc đời còn trẻ, tôi lại thụt lùi vào trong màn đêm như được định sẵn dành riêng cho mình.
Ngày ngày có đến cả chục cuộc điện thoại, dọa nạt, đòi nợ ở quán cầm đồ kia, điểm vay nọ tôi bế tắc muốn cầu xin gia đình nhưng biết phải nói sao, khi nhà tôi đâu có giống nhà người ta, tỉ nọ, tỉ kia. Nhà tôi nghèo, và giờ đây tôi đè lên mái nhà đó một khối nặng vô hình tưởng chừng có thể làm nó đổ sập bất cứ lúc nào. Và rồi tôi nhớ đến những lần bà đứng bên bàn thờ cha tôi cầu khấn, nước mắt bà chảy dài thành hai dòng chạy qua nhưng nếp nhăn nheo trên gò má. “Con à, nhà chẳng còn gì chỉ còn mấy củ khoai lang thắp hương cho vong hồn con được siêu thoát”. Cha tôi mất khi tôi mới vào cấp hai, tôi sông dưới bàn tay đùm bọc của bà tôi năm nay đã gần chín mươi tuổi. Sao tôi dám nói nhưng gì tôi gây ra cho bà nghe, cho bà biết thằng cháu đích tôn của bà phá hoại đến nhường nào, không biết rằng bà có sống nổi khi nhận được cú sốc quá lớn này không, biết bao suy nghĩ cứ vơ vẩn, vẩn vơ trong đầu tôi, dám mà không dám.
Nhưng rồi tôi phải nói ra vì cuộc đời tôi sắp rồi, chìm đắm trong những thớ bùn vượt mặn chỉ chết thôi mới gột sạch sai lầm này. Tôi viết một bức thư đắt nhất cuộc đời tôi, về cả tinh thần lẫn vật chất. Bức thư của một cậu sinh viên năm 3 đại học trả giá cho những cuộc chơi cứ ngỡ trả hồi kết, giá trị lên đến trăm triệu.
Khi nhận được thư nghe mọi người kể lại bà tôi lặng đi với hai dòng nước mắt, bà trả nói chỉ im lặng biết nói gì khi mất hết hi vọng vào một đứa cháu là cục vàng, là lẽ sống của bà. Rồi tôi ra đi mà chưa biết phải dừng lại ở đâu, sống bằng gì. Cả nhà họ hàng nội, ngoại đổ xô đi tìm tôi chỉ cần tôi về là đủ, tôi trốn vì làm gì dám đối diện với mọi người trong gia đình,tôi xấu hổ, tôi chỉ biết đi để ngẫm lấy cuộc đời, ngẫm về nhưng sai lầm không còn cơ hội để sửa.
Tôi đói hai ngày trôi qua không một hạt cơm vào bụng nhưng tôi phải trốn, trốn bản thân tôi, trốn những thứ vô hình trước mặt. Vậy đấy, gần như cả đời sinh viên của tôi từ ngày dẫm vào những cuộc vui vô bổ. Tôi mệt mỏi, tôi thiếp đi bên cạnh một điểm chờ xe buýt giữa thành phố, khi tỉnh giấc bên cạnh tôi là Anh một người bạn mà tôi đã từng rất thân nhưng chả muốn chơi cùng vì một lẽ không theo nổi tôi với nhưng trò vui của tôi và đám bạn. Anh nói: “Dậy rồi à, về nhà thôi”.
Tôi chết lặng không biết vì gió trời có vị hăng vào lúc đó hay vì lý do gì mà mũi tôi cay xè, nước mắt của tôi chảy dài rồi thất thần òa lên khóc. Tôi trở về, trên chiếc xe của bạn tôi, ngồi đằng sau tôi vẫn sợ nhưng một cái sợ an toàn tôi chưa bao giờ biết đến. Cổng nhà tôi mở sẵn, tất cả mọi người trong gia đình tôi đều có mặt, tôi thầm nghĩ “Phải làm sao đây biết nói từ đâu”. Tôi lấy hết can đảm bước vào trong nhà bà tôi đã chờ sẵn gương mặt bà mừng rỡ nhưng đâu dấu nổi sự mệt mỏi nhưng ngày qua. Một ngày tôi chưa về, chắc bà già đi thêm nhiều lắm. Bà bảo: “Về mà đi học chứ con”.
Ôi sao lúc đó tôi muốn ôm bà òa lên khóc, quỳ xuống van xin được tha thứ. Nhưng tôi chỉ đứng đó nhìn bà, kìm nén bản thân tôi vì sợ bà bị xúc động mạnh, bà già rồi yếu lắm. Tôi ngoảnh lại nhìn tất cả mọi người trong gia đình. Tôi cố hiểu chuyện gì đang diễn ra trong căn phòng này, tôi đã chuẩn bị hết rồi những trận đánh, những tiếng sỉ vả thậm tệ của cô, dì, chú, bác nhưng lạ quá chả ai nói gì, chỉ nhìn tôi và trên khuôn mặt mỗi người không thê giấu nổi nỗi buồn và thất vọng.
Tôi đi thẳng dù cho lúc đó tôi muốn nói lời xin lỗi nhưng cổ họng tôi nghẹn cứng như bị một vật vô hình chặn đứng, vào phòng tôi chỉ biết úp mặt xuống giường rồi òa bưng mặt khóc. Trách bản thân tôi sao lại để bà và gia đình phải khổ thêm vì tôi cả trăm lần đến vậy. Nhưng lúc đó tôi có cảm giác lạ lắm tôi đang dần cảm nhận thứ gì đó ngọt ngào đến thi vị, vì tôi được trở về với mái nhà và những gì thuộc về tôi mà tôi đã một lần vứt bỏ.
Tôi lại được rong ruổi qua những tán cây của trường Đại Học Khoa Học - Thái Nguyên. Ngồi học bên trong những giảng đường khang trang mới được xây dựng, bên bạn bè, thây cô thân quen đến trìu mến. Đặc biệt hơn là trở về mới gia đình tôi, bà tôi người bà tôi yêu quý tóc đã bạc trắng cả đầu vân gân guốc ôm tôi bao bọc. Giờ tôi mới biết mình đâu cô độc. Mà hạnh phúc do tôi tự đánh mất, giờ đã tự tìm về.
Về phần những quán cầm đồ, cho vay, gia đình tôi đã cố gắng giải quyết hết số nợ đó của tôi với sự giúp đỡ của bạn bè trong lớp đại học, cô giáo chủ nhiệm và Anh- người bạn tôi đã một lần xa cách. Giờ đây tôi đủ tự tin vững bước bên mái trường Khoa Học với những ước mơ còn đang chờ tôi viết tiếp. Tôi đã đọc ở đâu đó những câu thơ dưới đây. Nó cũng chính là phần kết tuyệt vời của một câu chuyện không phải là kết thúc mà mời chỉ bắt đầu.
“Gắng lên thôi dù đường đời cách trở
Mãi tin rằng có bến đỗ tương lai
Mai này đây xây tầm cao mơ ước
Sống đẹp tình người nhân nghĩa, thủy chung”
Câu chuyện tôi viết trên đây không chỉ chia sẻ để mọi người đọc, mà để mọi người cảm nhận, lấy đó làm gương đừng một lần nào mắc phải sai lầm của tôi. Đời sinh viên mỗi chúng ta chỉ vài năm bảo ngắn không ngắn, dài không dài nhưng sống thật có ích, xứng đáng với những hi sinh và kỳ vọng của gia đình. Để khi kết thúc quãng thời gian học tập hãy thực sự là chủ nhân của đất nước.
Theo Nguyễn Lê Huy (Dân Trí)
0 Nhận xét
Post a Comment