TNTT-“Trong chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến VN tới đây, chủ đề sẽ được bàn bạc nhiều là Biển Đông. Bởi cả Mỹ và VN đều chung lo lắng trước những hành động ngạo mạn của TQ”, ông Huỳnh nói.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (ảnh tư liệu)
Trong tháng 8 và tháng 9 tới sẽ có rất nhiều các sự kiện ngoại giao quan trọng của khu vực và quốc tế, trong đó có chuyến công du 5 nước Trung Đông và Đông Nam Á của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mà Việt Nam sẽ là một trong số các điểm đến đó.
Trước bối cảnh khu vực và quốc tế đang có những diễn biến hết sức phức tạp, nhất là việc Trung Quốc liên tục có những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, tạo thêm căng thẳng trên Biển Đông, Việt Nam với tư cách là một quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng của khu vực Đông Nam Á sẽ cần phải có những bước đi như thế nào trong công tác đối ngoại để thích ứng kịp thời với những diễn biến trên?.
Để độc giả cái nhìn toàn diện cũng như những bình luận, dự báo tham khảo về tình hình khu vực trong thời gian tới, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin
đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh – cựu thành viên phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa tham gia cuộc đàm phán Hiệp định Paris năm 1973, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mozambique (Lebanese Republic).
PV: Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ngày 6/8/2015 tới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có chuyến thăm ngắn đến Việt Nam trong lộ trình chuyến công du tới 5 quốc gia thuộc Trung Đông và Đông Nam Á. Theo ông, chuyến thăm của ông John Kerry đến Hà Nội lần này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh tình hình khu vực hiện nay?Vấn đề Biển Đông có được quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ đề cập tới hay không và ở mức độ nào?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Huỳnh: Theo quan sát, đây sẽ là cuộc viếng thăm của một nhà lãnh đạo cao cấp của Mỹ tới Việt Nam nối tiếp gần nhất sau chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ hồi đầu tháng 7.
Nhà nghiên cứu ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh (Ảnh: Đình Tuệ)
Trong bối cảnh tình hình khu vực hiện nay, chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ có thể sẽ có một số nội dung đáng chú ý sau:
Một là, vấn đề hiện thực hóa những cam kết mà hai bên đã ký trước đó với nhau trong chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt là các hiệp định, hợp đồng về trao đổi đầu tư, thương mại và kinh tế.
Hai là, vấn đề Biển Đông. Đây là chủ đề không thể không bàn tới trong chuyến thăm lần này. Bởi cả Mỹ và Việt Nam đều chung những lo lắng, quan ngại sâu sắc trước những bước đi có thể nói là ngạo mạn, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại khu vực này.
Tôi cho rằng, vấn đề Biển Đông đã và đang nổi lên không chỉ gói gọn trong phạm vi Đông Nam Á nữa, mà nó đã động chạm tới lợi ích của nhiều quốc gia nằm khu vực. Trong đó có Mỹ. Với những động thái hết sức hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc cả trên bình diện ngoại giao cũng như trên thực địa, họ thực sự đã “đi quá chớn, vượt quá mọi giới hạn” của công pháp quốc tế rồi
Còn nhớ hồi tháng 7/2010, tại hội nghị diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 17 tổ chức tại Hà Nội có một chi tiết rất đáng chú ý. Đó là, sau khi nghe ý kiến của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói về việc “Mỹ ủng hộ tiến trình hợp tác ngoại giao của tất cả các quốc gia có liên quan nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ mà không cần cưỡng ép. Chúng tôi phản đối các bên liên quan đe doạ hoặc sử dụng vũ lực”.
Ngoại trưởng Trung Quốc khi ấy là ông Dương Khiết Trì (hiện là ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc) đã “giận tím mặt” rồi đứng bật dậy và ra về. Nhưng sau đó đã quay trở lại bàn hội nghị rồi lớn tiếng tuyên bố rằng: “Trung Quốc là nước lớn, các quốc gia khác là nước nhỏ - Đó là thực tế”.
Rồi phát ngôn mới đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 27/6 rằng, nếu nước này từ bỏ yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông “là có tội với tổ tiên”, rồi không ngăn chặn cái gọi là “xâm phạm chủ quyền Trung Quốc” cũng sẽ là “có tội với con cháu sau này”.
Thử hỏi, các phát ngôn thiếu trung thực, xảo ngôn và chủ quan trên của những nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã lộ rõ bản chất và âm mưu thôn tính Biển Đông?. Không còn giấu diếm, dè dặt nữa mà họ đã công khai trước dư luận thế giới rồi đó.
Riêng vấn đề này, chắc chắn sẽ chiếm một nghị trình đáng kể trong cả chuyến thăm của ông Kerry tới Hà Nội tháng 9 tới đây.
PV: Được biết, ông John Kerry là một trong những quan chức Mỹ có đóng góp nhiều nhất vào công cuộc bình thường hoá, phát triển các mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Cũng giống như Thượng nghị sỹ John McCain, ông John Kerry từng tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam nhưng nay họ lại là một trong những người ủng hộ, thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Mỹ phát triển. Theo ông điều này có ý nghĩa như thế nào trong khi thực tế là tại Mỹ vẫn còn có những người không mong muốn, thậm chí là ngăn cản việc Washington tăng cường quan hệ với Việt Nam?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Huỳnh: Phải khẳng định rằng, ông John Kerry là một trong số những nhân tố tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ trong hơn 20 năm qua.
Với cương vị là người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, ngoại trưởng John Kerry luôn là nhân vật có những tiếng nói và hành động thiết thực nhằm đưa ra những chiến lược, chính sách trong quan hệ đối ngoại với các nước – trong đó có Việt Nam để phục vụ cho lợi ích của quốc gia, dân tộc của mình.
Từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam từ hơn 40 năm trước, ông Kerry cũng đã phần nào hiểu đất nước và con người Việt Nam khát khao hòa bình để phát triển như thế nào. Những việc mà ông Kerry đã và đang làm có thể nói là “đều thuận” với bước phát triển tốt đẹp trong mối quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ.
Chúng ta cùng tin tưởng rằng, với những bước đi sẵn có cùng sự đúng đắn và lòng tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt – Mỹ sẽ còn tiến xa hơn trong tương lai.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bên lề hội nghị ASEAN ở Brunei hồi tháng 7/2013 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ
PV: Như vậy bên cạnh Ngoại trưởng John Kerry, ông có đánh giá ra sao về đóng góp của Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, Thượng nghị sỹ - Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain và Phu nhân của ông Bill Clinton là bà Hillary Clinton trong công cuộc bình thường hoá, phát triển và nâng tầm các mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Huỳnh: Một câu hỏi rất hay và khá thú vị.
Bởi, họ dường như đã là những người quyền lực ở Mỹ có sức ảnh hưởng lớn hàng đầu nước Mỹ. Nhất là trong việc thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam.
Nếu nói về cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton – một vị Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam năm 2000 đã mở ra một chương hoàn toàn mới trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ông ấy là một người có tư tưởng chống chiến tranh và có một nhãn quan về chiến lược đối ngoại rất sâu rộng.
Việc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1995 cũng là một trong số những việc làm thể hiện nhãn quan ngoại giao sâu sắc của cựu Tổng thống Bill Clinton. Nó xuất phát từ chính lợi ích của Mỹ chứ không phải gì khác.
Bên cạnh ông Bill Clinton, thì vợ ông – cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng nổi lên như một nữ chính trị gia hàng đầu của Mỹ khi thể hiện vai trò của một nhà ngoại giao xuất chúng, vừa tham gia công tác xã hội cùng với chồng trong việc thành lập quỹ Clinton nhằm hỗ trợ và nâng cao sức khỏe toàn cầu cũng như ngăn chặn dịch bệnh và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái.
Bà Hillary là thành viên của Đảng Dân Chủ có tư tưởng rất rõ ràng, nhất là về vấn đề Biển Đông. Minh chứng là tại Hội nghị Diễn đàn ASEAN năm 2010 mà tôi đã dẫn ở trên khi bà công khai chỉ trích những bước đi thiếu thận trọng và ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
Kế đó là một nhân vật quyền lực thuộc Đảng Cộng Hòa, thượng nghị sĩ John Mc.Cain – Chủ tịch ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ. Vốn xuất thân từ dòng dõi có cha và ông nội từng làm Đô đốc Hải quân Mỹ, ông Mc.Cain đã chọn theo học không quân, từng tham chiến trên bầu trời Việt Nam trong những năm 70 của thế kỷ trước.
Ba nhân vật đặc biệt quan trong trong việc bình thường, phát triển quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam từng được Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken nhắc đến trong bài viết (ảnh từ trái qua phải lần lượt là ông John McCain, Bill Clinton và John Kerry)
Mặc dù bị bắt làm tù binh nhưng được phía Việt Nam đối xử rất tốt, cựu binh Mc.Cain vẫn không quên ấn tượng về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị. Và quả thật, sau khi trở về Mỹ, ông John Mc.Cain đã sát cánh cùng với cựu Tổng thống Bill Clinton trong công cuộc xây dựng mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong hàng chục năm qua.
Như vậy, những người nói trên đều xứng đáng là những nhân vật hàng đầu có ảnh hưởng tới sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hai nước.
PV: Thời gian gần đây, liên tiếp là những bước đi ngoại giao mạnh mẽ của Mỹ trong việc cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước. Trong đó có việc bình thường hóa với Cuba, đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran và nâng cao mối quan hệ với Việt Nam. Có nhận định cho rằng, đây có thể là những dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng chính quyền Mỹ đang có những bước đi nhằm điều chỉnh lại chính sách đơn cực đã và đang theo đuổi để thích ứng với tình hình và bối cảnh mới đang ngày càng có xu hướng biến động, khó đoán. Ông có ý kiến gì về nhận định này?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Huỳnh: Tôi cho rằng nhận định trên khá sát với thực tế. Ở trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, việc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược của mình là hoàn toàn dễ hiểu. Nhất là các thách thức toàn cầu hiện đang được đặt ra.
Cuba – quốc gia láng giềng phía tây nam nước Mỹ mà Mỹ không nắm bắt lấy cơ hội hợp tác, quan hệ song phương để thúc đẩy thương mại, đầu tư sau hơn 50 năm bao vây, cấm vận thì ai sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn.
Cuba – quốc gia láng giềng phía tây nam nước Mỹ mà Mỹ không nắm bắt lấy cơ hội hợp tác, quan hệ song phương để thúc đẩy thương mại, đầu tư sau hơn 50 năm bao vây, cấm vận thì ai sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn.
Rồi Iran, một quốc gia có vị trí then chốt ở khu vực Trung Đông mà Mỹ cũng không có cách làm hạ nhiệt căng thẳng để tăng sức ảnh hưởng thì cũng sẽ rơi vào tay các thế lực khác.
Bên cạnh đó là Việt Nam. Mỹ đã chính thức lên tiếng nhiều lần, việc Mỹ có những hành động can dự vào Biển Đông là vì lợi ích quốc gia của họ, chứ không phải vì lý do nào khác. Bởi Trung Quốc đã thực sự là “con ngựa bất kham” trong tham vọng bá quyền ở vùng biển này.
Liên tiếp các hành động cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo trái phép; đưa vũ khí, trang thiết bị, xây dựng công trình phụ trợ trên đó; Tiến hành tập trận bắn đạn thật quy mô lớn ở Biển Đông; Rồi “dọa” sẽ lập ADIZ trên Biển Đông thực sự đã làm Mỹ không thể “đứng trung lập” trong các tranh chấp ở khu vực này được nữa.
Sau khi kết thúc thời kỳ chiến tranh lạnh, chưa bao giờ Mỹ phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay trong chính sách đơn cực của mình.
Trung Quốc dường như đang là một nhân tố nổi lên ảnh hưởng tới chính sách đó. Và đương nhiên, để tăng cường sức mạnh ít nhất là về mặt đối ngoại, Mỹ sẽ phải “thêm bạn để bớt thù” thì mới góp phần đối phó với một Trung Quốc ngày càng ngang ngược tại Biển Đông.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngày 1/8/2015, bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết tàu cá QNg 96507 do ngư dân Nguyễn Lợi (xã An Hải) làm thuyền trưởng khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng bị ba tàu Trung Quốc mang số hiệu 46102, 45101, 37102 rượt đuổi.Sau khi áp sát được tàu, phía Trung Quốc đã nhảy lên tàu cá tấn công ngư dân cướp đi ngư lưới cụ của họ.
Cũng trong buổi sáng 1/8/2015, tàu cá QNg 90349 và QNg 90127 lai dắt tàu QNg 95987 đã về đến trạm kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) để trình báo sự việc bị chết máy tại quần đảo Hoàng Sa. Họ cho biết, khi đang trên đường đi ứng cứu một tàu cá gặp nạn, tàu QNg 90127 của thuyền trưởng Tiêu Viết Bản đã bị tàu Trung Quốc tấn công, khống chế ngư dân lấy toàn bộ hải sản và đập phá tàu - Theo báoTuổi Trẻ
|
(Theo tin :Đình Tuệ - Cao Tuân-báo người đưa tin)
0 Nhận xét
Post a Comment