TNTT-Sau một thời gian im ắng, những ngày qua, hàng đoàn xe tải hạng nặng trọng tải 30- 40 tấn lại quần đảo trên đê Chã, Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Điều đáng nói là tuyến đê xung yếu này chỉ chịu được xe tải trọng 12 tấn…
Nối từ quốc lộ 3 cũ đoạn đầu cầu Đa Phúc chạy dọc sông Công thuộc địa phận Thị xã Phổ Yên, đê Chã là một trong những tuyến đê xung yếu nhất trong hệ thống đê điều và giữ vai trò trọng yếu trong việc phòng lũ ở khu vực phía Nam tỉnh Thái Nguyên. Theo thiết kế, đây vừa là đê vừa là đường giao thông, nhưng chỉ chịu được xe có trọng tải từ 12 tấn trở xuống.
Chiếc cọc bê tông này là nơi gắn biển hạn chế tải trọng xe vào đê Chã nhưng hiện tấm biển đã bị tháo mất. |
Chiều 2/7, chúng tôi có mặt tại tuyến đê Chã và chứng kiến những chiếc xe tải chở cát sỏi, đặc biệt là những chiếc xe đầu kéo kéo theo sơ mi rơmooc 3 trục thùng tự đổ chở đầy hàng đang chở hàng xuống đổ cho những chiếc xà lan đang đậu ở cảng Đa Phúc ra vào tấp nập. Theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, những chiếc rơmooc thùng tự đổ này có trọng tải tự thân là 8,5 tấn và chở thêm 28,5 tấn hàng nữa. Tổng cộng cả xe và hàng vào khoảng gần 40 tấn. Trong khi đó, theo quy định, đê Chã chỉ chịu được xe có tải trọng dưới 12 tấn.
Chiếc xe đầu kéo romooc tự đổ trọng tải gần 40 tấn ngang nhiên đi trên đê Chã chiều 2/7. |
Sau đó chiếc xe tải đổ hàng xuống tầu dưới cảng Đa Phúc. |
Đoạn đê nhỏ hẹp khiến hai chiếc xe hạng nặng khó khăn tránh nhau. |
Tại cuộc họp này, các bên liên quan cùng kí vào văn bản với nội dung việc xe quá trọng tải 12 tấn đi vào tuyến Đê Chã là vi phạm nghiêm trọng pháp lệnh bảo vệ đê điều, vi phạm pháp luật.
UBND thị xã Phổ Yên chỉ đạo bắt đầu từ 11/4 các doanh nghiệp đang hoạt động tại cụm cảng Đa Phúc có xe vận tải qua tuyến đê Chã thực hiện giảm tải xuống dưới 12 tấn theo đúng quy định của pháp lệnh đê điều. Yêu cầu các doanh nghiệp phải có biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây ô nhiễm ảnh hưởng đến dân cư trong khu vực. Đề nghị Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão là đơn vị chủ quản của tuyến đê Chã cắm cọc giảm tải không cho phép phương tiện giao thông có trọng tải quá 12 tấn hoạt động ở tuyến đê trên. Yêu cầu các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông tỉnh triển khai việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật các xe có tải trọng quá 12 tấn đi vào khu vực này.
Theo phản ánh của người dân, sau cuộc họp này, tình hình đã thay đổi, nhất là khi có Trạm kiểm soát tải trọng liên ngành đặt trạm cân ngay đầu cầu Đa Phúc và đầu đường vào đê thì xe quá tải không dám hoạt động. Tuy nhiên, từ ngày 1/7 tới nay, khi trạm liên ngành kiểm tra tải trọng xe dời đi thì tình trạng xe quá tải đi trên đê lại tái xuất.
Theo quy định của Luật Đê điều, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê.
Câu hỏi đặt ra là vì sao xe quá tải tung hoành như vậy mà đơn vị chủ quản tuyến đê là Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Thái Nguyên không có động thái gì để ngăn chặn?
Chiều 2/7, chúng tôi đã làm việc với ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Thái Nguyên. Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Nam tỏ ra bất ngờ trước thông tin xe quá tải đang tung hoành trên đê Chã mà không bị xử lý vì "cách đây vài ngày tôi vừa đi kiểm tra xong thì không có chuyện này vì ngay ngoài quốc lộ 3 có trạm kiểm tra tải trọng xe".
Tuy nhiên thực tế thì ngày 2/7, trạm liên ngành kiểm tra tải trọng xe cũng đã dời đi nơi khác. Ông Nam cũng bất ngờ khi chúng tôi thông báo thời điểm ngày 2/7 tấm biển hạn chế tải trọng đặt ở đầu đường vào đê đã bị hạ xuống và lấy đi mất. Theo ông Nam, chi cục có một bộ phận làm nhiệm vụ quản lý đê Chã đặt trụ sở ở Phổ Yên nhưng tất cả sự viêc này không thấy các cán bộ báo cáo lên chi cục. Khi chúng tôi đề nghị được cung cấp thông tin cụ thể về công tác quản lý tuyến đê xung yếu này thì ông Nam đề nghị gửi câu hỏi qua email ông sẽ trả lời vì ông còn có một cuộc họp khác. Ngày 3/7, chúng tôi đã gửi câu hỏi liên quan tới công tác quản lý tuyến đê Chã cho ông Nam, tuy nhiên cho tới lúc này ông Nam vẫn không có phản hồi.
Câu hỏi đặt ra là để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Thái Nguyên hư thế nào khi đơn vị này có cán bộ chuyên trách quản lý đê Chã mà lại để xe quá tải tung hoành suốt ngày đêm như vậy. Để đảm bảo an toàn đê điều khi mùa mưa lũ đang đến gần, UBND tỉnh Thái Nguyên cần có biện pháp mạnh xử lý tình trạng vi phạm này.
(Tổng hợp:báo CAND)
0 Nhận xét
Post a Comment