TNTT- Hiện
nay, trên địa bàn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện những đối
tượng “đội lốt” bán hàng nhưng thực ra là lợi dụng để vào nhà dân lừa
đảo và trộm cắp tài sản...
“Đặt biển quảng cáo”
Người dân cho biết những đối tượng này
xưng danh là nhân viên bán hàng hoặc nhân viên quảng cáo sản phẩm của
“công ty”, thường đi theo nhóm khoảng 2-7 người, ăn mặc và nói chuyện
rất lịch sự; thường đến các làng quê, nông thôn, vào các gia đình ít
người ở nhà…
Ngày 16-1, bà Phan Thị Mạnh (67 tuổi) và
Trịnh Thị Hương (55 tuổi) trú tại xóm 4, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân,
tỉnh Hà Tĩnh đã bị một nhóm đối tượng lừa đảo mất hai chỉ vàng và một
số tiền mặt. Các nhân chứng kể lại, một nhóm nam thanh niên 7 người đi
vào nhà của bà Hương và bà Mạnh giới thiệu là nhân viên giới thiệu sản
phẩm bếp ga của công ty. Sau một màn “chào hàng” ngon ngọt nhưng vẫn
không thuyết phục được hai bà mua hàng, các đối tượng chuyển sang dùng
thủ đoạn xin mặt bằng gia đình hai nhà để lắp biển quảng cáo trong 3
năm, mỗi tháng sẽ trả cho hai bà một triệu đồng. Sau khi làm thủ tục, ký
giấy biên nhận, các đối tượng đề nghị hai bà “đặt cọc” số tiền 3,9
triệu đồng để họ gửi hàng lại, sáng ngày mai sẽ đến để lắp biển quảng
cáo, đồng thời trả lại số tiền đặt cọc và trả trước 6 tháng tiền thuê
mặt bằng quảng cáo trị giá 6 triệu đồng.
Vì bà Hương và bà Mạnh không có tiền mặt,
các đối tượng thuyết phục hai bà đặt cọc vàng đang đeo trên người. Bà
Hương ấm ức nói: “Chúng tôi nhẹ dạ, cả tin tháo vàng đem cho chúng, lúc
đó cứ như “người mất hồn”. Tôi đem cho chúng một đôi bông tai một chỉ
vàng và 400 nghìn đồng tiền mặt. Còn bà Mạnh không có tiền trong người
chỉ đem cho chúng một đôi bông tai cũng một chỉ vàng và hẹn hôm sau đến
thanh toán. Sau khi chúng đi rồi, chúng tôi mới nhận ra là bị lừa”.
Bà Mạnh và bà Hương bên số hàng bọn lừa đảo để lại.
|
Không lừa được thì...cướp
Cùng ngày 16-1, ông Võ Trọng Bình, 65
tuổi, trú tại xóm Trung Lộc, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cũng
trở thành nạn nhân của những kẻ “thôi miên cướp của”. Hai đối tượng nam
và nữ tự ý vào nhà ông Bình, giới thiệu là nhân viên quảng cáo sản phẩm
của công ty TNHH Ỷ Thiên, có trụ sở tại số 97/1095, đường Dương Quãng
Hàm, Phường 17, Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Sau khi chào hỏi, tay bắt, mặt
mừng, hai đối tượng này mời ông Bình xem sản phẩm bao gồm chiếc bếp ga
kiêm bếp từ và một bộ xoong nồi mang nhãn mác WATASHI trị giá 3,9 triệu
đồng và được trả góp hàng tháng. Song, gia đình ông Bình đã có bếp ga và
từ chối không mua hàng.
Ông Bình bức xúc kể lại: “Tôi đang nói
chuyện với đôi nam, nữ bán hàng này thì bỗng dưng như người mất hồn,
không còn tỉnh táo như đang ngủ khoảng mười phút. Lúc tỉnh lại, thì trên
tay đã không còn chiếc nhẫn vàng một chỉ đâu nữa. Bọn lừa đảo đã rút
vàng từ trong tay tôi và tháo chạy không kịp lấy lại đồ, nên để lại
chiếc bếp ga và bộ xoong nồi này". Vừa nói ông Bình vừa chỉ vào “tang
vật” mà bọn cướp để lại.
Các đối tượng này sau khi thực hiện hành
vi trộm cướp thì “chuồn” rất nhanh. Nạn nhân sau khi “hoàn hồn” thì đã
không còn đuổi theo kịp.
Cần biện pháp ngăn chặn, xử lý
Các đối tượng này thường xuyên đi “kiếm
ăn” ở các vùng nông thôn, ít người qua lại, và nhắm vào các đối tượng
già cả, neo đơn và có điều kiện kinh tế.
Theo lời kể của các nạn nhân bị lừa đảo,
những đối tượng này tự ý xông vào nhà, nói chuyện tự nhiên và rất lịch
sự làm cho họ mất cảnh giác và không nghi ngờ gì cả. Cách quảng cáo sản
phẩm rất chuyên nghiệp khiến bà con tin rằng đây là những nhân viên một
công ty có uy tín. Những chiêu trò thường được chúng sử dụng như: Giới
thiệu sản phẩm, “xem không mua cũng được”; hoặc bắt thăm trúng thưởng là
một trong 10 khách hàng được hưởng chương trình khuyến mãi dùng thử sản
phẩm của công ty… Chúng còn dùng những chiêu thức như đặt vấn đề thuê
mặt bằng lắp biển quảng cáo, cho dùng thử sản phẩm trong thời gian dài
nếu hư hỏng có thể đổi lại được… Bà con nông thôn là những người thật
thà, ít tiếp xúc với những chiêu thức lừa đảo nên dễ “mắc bẫy”.
Theo quan sát của chúng tôi, các mặt hàng
bếp ga và xoong nồi mà các đối tượng này bán mang nhãn hiệu WATASHI đều
mới, nguyên hộp và tem mác, nhưng giá trị không lớn cho nên các đối
tượng sau khi lấy được vàng đều bỏ lại hàng hóa và “lặn” rất nhanh.
Thông thường, các đối tượng này chỉ đến một địa bàn để lừa đảo một vài
người rồi di chuyển sang địa bàn khác để tránh bị bắt và phát hiện. Trao
đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Vân, Trưởng công an xã Xuân Yên, huyện
Nghi Xuân cho biết: “Nắm được hiện tượng lừa đảo này, hiện nay chúng
tôi thường xuyên tổ chức tuần tra; giao cho công an viên các xóm chú ý
đến những đối tượng bán hàng rong; tăng cường tuyên truyền trên loa
truyền thanh để bà con nâng cao nhận thức và đề cao cảnh giác. Chúng tôi
đã tiếp nhận đơn tố cáo của người bị hại và sẽ phối hợp với lực lượng
công an cấp trên để điều tra, bắt giữ các đối tượng lừa đảo nói trên”.
(Nguồn:QĐND)
0 Nhận xét
Post a Comment