TNTT-10 tuổi mới biết cười, 10 tuổi biết đi, 10 tuổi mới bi bô tập nói và hơn tuổi đời vẫn mang thân hình của đứa trẻ lên 2.
Hễ thấy khách lạ vào nhà cô gái lại xấu hổ lấy tay che mặt không dám nhìn. Đó là cô gái bất hạnh Đỗ Thị Dung xóm Đồng Cả, xã Hùng Sơn (Đại Từ-Thái Nguyên) thường được quen gọi là cô gái không bao giờ lớn.
Cô gái tí hon
Nhìn Đỗ Thị Dung không ai tưởng tượng được rằng cô gái đã 22 tuổi |
Con đường bê tông dẫn vào giáo xứ Đại Từ quanh co, ngoằn ngèo. Cái nắng bỏng rát khiến cánh đồng lúa đang thì con gái hanh hao, nứt nẻ. Giữa trưa con đường heo hút vắng bóng người, lần mò mãi tôi mới tìm được đến nhà anh Đỗ Văn Lai, 48 tuổi cha đẻ của cô gái bất hạnh Đỗ Thị Dung. Bữa cơm trưa vừa được dọn ra, 9 miệng ăn bên mâm cơm chỉ có muối lạc với canh chua. Đã được biết trước nhưng tôi vẫn không khỏi kinh ngạc khi ông Lai chỉ tay vào đứa bé gái bảo: “Đây là Dung con gái tôi năm nay nó 22 tuổi rồi đấy”.
Bữa trưa nháo nhào trong vài phút đồng hồ hai vợ chồng anh Lai và vợ là Trần Thị Nguyễn mới tỉ tê kể cho tôi nghe về 22 năm hành trình sống của cô con gái không bao giờ lớn. Đỗ Thị Dung, sinh năm 1990 là con gái thứ 2 trong số 5 người con của vợ chồng Lai-Nguyễn. Chị Nguyễn kể: “Sinh ra nó xinh xắn lắm chú ạ. Nó hoàn toàn khỏe mạnh không có dấu hiệu bệnh tật gì cả. Năm con bé lên 6 tuổi, lúc đó người ta tiêm phòng lao, tôi cũng đưa con gái đi tiêm. Không biết do thuốc hay do bệnh ủ sẵn mà sau đó một tuần nó bắt đầu có chuyện”.
Sau khi tiêm phòng về, vài ngày sau có một cái mụn lớn xuất hiện ngay dưới cổ gần mang tai của Dung. Cái mụn ấy mỗi ngày một lớn rồi bỗng dưng chạy xuống nách vỡ và gây viêm. Kể từ đó Dung cứ ốm yếu, dặt dẹo điều người ta thấy lạ là suốt thời gian sau đó cô bé cứ giữ nguyên thân hình mà không thấy phát triển. Thấy sự không lành, vợ chồng anh Lai mới đưa con lên bệnh viện huyện, sau khi làm hết các thủ thuật xét nghiệm, chẩn đoán bác sĩ bảo với anh chị: “Bình thường không có bệnh gì cả”. Không có bệnh sao 6, 7 tuổi vẫn như lúc 2 tuổi là sao?. Để trả lời thắc mắc ấy anh chị lại lặn lội đưa Dung lên bệnh viện trung tâm tỉnh. Ở đây bác sĩ kết luận Đỗ Thị Dung bị não úng thủy rồi khuyên gia đình cứ đưa về nếu chữa được bệnh viện sẽ gọi. Chờ mãi không thấy gì, sốt ruột anh chị lại một lần nữa đưa con đi viện nhưng lạ thay họ lại nhận kết quả như ban đầu: “Bình thường không có bệnh gì cả”.
Bẵng đi nhiều năm trời, vì hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng anh Lai đành phó mặc số phận Dung cho ông trời định đoạt. Không có tiền không thể xuống Hà Nội chạy chữa. Thời gian thấm thoắt trôi, mới đây thôi giờ Đỗ Thị Dung đã 22 tuổi, đã là một cô gái “không trưởng thành”. Căn cơ, nguồn gốc làm Dung mãi mãi là cô bé lên 2 vẫn chưa có kết luận rõ ràng, Chị Nguyễn suy đoán: “Sau khi đi chiến tranh biên giới về chồng tôi đi làm lò vôi mấy năm, sau đó là tôi mang thai bé Dung. Hay là nó không lớn vì ảnh hưởng chất độc gì đó. Nhưng thôi, 22 năm rồi còn gì nữa. Đành xem nghị lực của con bé thế nào, chứ bây giờ vợ chồng tôi còn biết làm gì hơn”. Anh Lai cũng buồn rầu: “22 tuổi rồi. Thôi, cứ để thế thì hơn. Có chữa cũng chẳng thay đổi được gì”.
Giờ Dung chỉ cao 70cm, nặng 12 cân, da dẻ trắng, mềm như đứa trẻ chỉ có khuôn mặt là hơi nhăn nheo và mái tóc lưa thưa không mọc được nhiều. Dung bước tập tễnh vài bước rồi lại nằm kềnh xuống giường vì mệt mỏi. Người làng vẫn gọi Dung là cô bé tí hon, là người bé nhất Việt Nam hay cô gái không bao giờ lớn.
Dung chỉ thích những chiếc kẹo màu xanh đỏ và thui thủi chơi một mình
Cô gái biết tủi thân nên thường ngần ngại cúi mặt khi gặp người lạ
Nỗi bất hạnh của cô gái bị “trời hành”
Năm 2000, tức là 10 năm sau ngày chào đời vào một sáng mùa đông rét căm căm cả nhà anh Lai bỗng ngạc nhiên khi Dung đứng dậy bước những bước đi đầu tiên. Vài ngày sau, Dung bập bẹ tập nói. Cả nhà vui mừng phát khóc. Những bước đi đầu tiên Dung không cần người nâng đỡ, chỉ 2, 3 bước chân thể hiện nghị lực sống phi thường của cô bé. “Dù nói được khá nhiều từ nhưng hơn 10 năm nay con bé chưa một lần gọi tiếng bố mẹ. Có khi cả ngày cũng không nói một câu, cứ nằm lăn góc này sang góc khác. Tội nghiệp con bé lắm.”- anh Lai kể.
Thấy người lạ là Dung lấy tay che kín mặt hay nằm úp xuống không dám mở mắt nhìn. Chị Nguyễn bảo, Dung cũng biết xấu hổ về hình hài, về số phận của mình. Có lần, chị Nguyễn đưa Dung ra nhà trẻ nhưng “cô bé” nhất định đòi về, cứ ôm mặt không nhìn bất kỳ ai. “Nó nghĩ mình lớn tuổi rồi còn ngồi với các em mẫu giáo nên mới không chịu chơi cùng. Về nhà thui thủi một mình nhưng ít ra con bé còn đỡ xấu hổ, tủi thân. Tuy hình hài như thế nhưng nó vẫn có ý thức, vẫn biết mọi thứ xung quanh”.
“Thôi đành phó mặc cho số phận vì 22 tuổi rồi mà con bé cũng không lớn được”- anh Đỗ Văn Lai.
Không đi nhà trẻ, lại không có người ở nhà chơi cùng nên nhiều khi Dung cứ thui thủi một mình. Dung tập tễnh bước ra cổng ngồi phệt xuống đường ngóng đợi bố mẹ đi làm về. Nhiều người đi qua cám cảnh mua cho Dung mấy cái kẹo hay que kem. Trong số đó, không ít người vẫn lầm tưởng Dung là một cô bé chỉ chừng 2 năm tuổi. Thương con, nhiều hôm ra ruộng chị Nguyễn lại địu con trên lưng để cuốc đất. Cô gái hơn 20 tuổi xuân trên lưng mẹ nhoẻn môi cười còn chị lại rớt nước mắt.
Từ khi sinh ra ngoài tiếng khóc chào đời còn 20 năm nay Dung chưa một lần biết khóc. Mỗi lần đám trẻ hàng xóm trêu trọc Dung chỉ nhắm mắt rồi vào nằm co ro một mình trên cái chiếu ở giữa nhà. 20 năm nay cô gái cũng không đòi ăn cái gì, không muốn cái gì. Ai cho gì thì nhận. Dung thích những chiếc kẹo ngọt bọc giấy màu xanh đỏ, thích gói vào một cái túi rồi cầm chơi mà không dám ăn vì sợ hết y như một đứa trẻ. Khi người lạ tạo được niềm tin, Dung sẽ cười, cười rất tươi, sẽ mở ra khoe những chiếc kẹo ngọt màu xanh đỏ một cách rất thích thú.
Chị Nguyễn nói: “Hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi cũng không biết làm thế nào. Tội nghiệp con bé lắm”.
Tôi dùng mọi cách bắt chuyện với Dung nhưng cô gái cứ nằm bẹp xuống chiếu không ngẩng mặt lên. Thi thoảng chỉ phát ra mấy tiếng ú ớ không thành lời. Chiếc áo rộng thuềnh thoàng, chiếc quần cũng rộng mà bao nhiêu năm nay chỉ thấy rộng dần mà không thấy chật. Hơn hai chục mùa Giáng sinh Dung chỉ thích áo mới, thích quần mới nhưng không biết đòi hỏi thế nào. Mỗi khi đoàn người đi qua cổng nhà là Dung biết có ngày lễ lớn. Mỗi khi tiếng chuông nhà thờ ngân dài suốt mấy tiếng đồng hồ là Dung biết một năm nữa đã qua đi. Những đứa trẻ sinh cùng thời được học hành đầy đủ thậm chí có đứa lập gia đình con cái đề huề còn Dung tuyệt nhiên không biết gì về điều đó bởi cô vẫn là đứa trẻ.
Suốt quãng thời gian đó đến nay, một điều lạ nữa là Dung không hề bị ốm đau gì, cũng chưa lần nào phải uống đến một viên thuốc. Bảo bối của Dung chính là lọ dầu gió để trị chứng bệnh duy nhất là đau bụng. “Con bé đau bụng thường xuyên nhưng cứ thoa tí dầu gió vào lưng là khỏi ngay chứ không cần thuốc thang gì cả”- chị Nguyễn cho biết. Mỗi bữa Dung khó khăn lắm mới ăn được lưng bát cơm. Tự cầm thìa, tự xúc ăn, muốn ăn cái gì phải do tự mình lấy chứ không cần ai lấy cho mình.
Nằm hơn 20 năm trời khiến thân hình lên 2 của Dung cũng trở nên èo uột. Một bên bụng phình to, còn một bên thì thóp lại như không có xương sườn. Việc đi lại của Dung vì thế mà trở nên khó khăn hơn. Mỗi bước đi Dung lại oằn mình vẹo vọ mới lê được đôi chân. “Gần đây, con bé yếu đi nhiều. Ngày trước còn đi được đoạn dài nhưng giờ đi vài bước là ngã không đứng dậy được. Có điều nó hay cười lắm. Nó cười khiến vợ chồng tôi cũng cười. Cười cho con nó đỡ tủi thân chú ạ. Biết ông giời đòi nó đi bao giờ, 22 năm sống trong thân hình của đứa trẻ suy cho cùng cũng là ân huệ lớn đối với con bé rồi” - chị Nguyễn bùi ngùi.
Đợt vừa rồi, có người cùng huyện biết hoàn cảnh của Dung đã có nhã ý cho cô gái xuống Hà Nội để các bác sĩ chỉnh hình. Nhưng vẫn “cái khó bó cái khôn” anh Lai, chị Nguyễn vẫn không thể cho con đi được. Giờ nhà đã có 9 miệng ăn lại chỉ trông vào 5 sào ruộng. Anh Lai tất tưởi đi làm thợ xây, công việc “buổi đực buổi cái” nên vẫn ra khó vào khổ. Gần đây, vì có cái tivi mà xã quyết định cắt hộ nghèo nên đành chịu không biết làm gì. 5 đứa con không một người học qua được cấp 2 khiến ông Lai cũng thấy bứt rứt.
Chia tay xứ đạo, chia tay vợ chồng anh Lai cô bé Dung vẫn nằm úp mặt xuống chiếu không dám ngẩng đầu nhìn. Trên đời chẳng ai muốn mình già, càng không ai mong bệnh tật nhưng với Đỗ Thị Dung-cô gái mãi là một đứa trẻ- thì cuộc đời với cô gái này lại quá trớ trêu.
....................................
PS:(Tổng hợp báo Công Lý)-Bài báo đăng năm 2012 khi đó Dung mới 22 tuổi,thật tội nghiệp cho em,cầu mong em luôn mạnh khỏe đó cũng là niềm vui,niềm hạnh phúc của gia đình và người thân !
Khi BBT chúng tôi tổng hợp và đăng tải thông tin bài này thì Dung đã được 25 tuổi ,sự thực chúng tôi cũng chưa có thời gian để tìm hiểu và xã thực thông tin xem hiện tại Dung như thế nào,những mong mọi độc giả biết thêm thông tin về Dung xin để lại phần bình luận ở phía dưới.Xin cảm ơn!
Khi BBT chúng tôi tổng hợp và đăng tải thông tin bài này thì Dung đã được 25 tuổi ,sự thực chúng tôi cũng chưa có thời gian để tìm hiểu và xã thực thông tin xem hiện tại Dung như thế nào,những mong mọi độc giả biết thêm thông tin về Dung xin để lại phần bình luận ở phía dưới.Xin cảm ơn!
0 Nhận xét
Post a Comment