Về xã Tân Kim (huyện Phú Bình, Thái Nguyên),
hỏi thăm anh Mã Văn Đức, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, nhiều người
dân tấm tắc bảo, cậu ấy làm việc được lắm.
Anh Mã Văn Đức báo cáo điển hình làm dân vận khéo người dân tộc thiểu số năm 2011 - Ảnh: Báo Thái Nguyên |
Khi còn làm trưởng thôn, rồi làm bí thư chi bộ thôn Bờ La, xã Tân Kim,
anh Mã Văn Đức đã có nhiều việc làm hợp lòng dân, giúp cuộc sống người
dân vùng sâu,vùng xa của huyện Phú Bình dần khởi sắc.
Dám nghĩ, dám làm
Một ngày mùa Xuân năm 2007, gần 90 hộ ở
thôn Bờ La mở cuộc họp để bầu trưởng thôn mới. Đảng viên trẻ Mã Văn Đức
được xướng tên, khi ấy anh mới 22 tuổi. Anh trở thành trưởng thôn ít
tuổi nhất trong lịch sử xã Tân Kim, đồng thời là trưởng thôn trẻ nhất
huyện Phú Bình thời điểm bấy giờ.
Mã Văn Đức bắt đầu gánh vác thử thách
không nhỏ ở một thôn có đến 85% là người dân tộc Nùng. Thời điểm đó,
thôn Bờ La thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện, cả thôn có đến gần
70% là hộ nghèo.“Cảm giác đi đâu trong thôn cũng gặp người nghèo”, anh
Đức chia sẻ.
Bức tranh kinh tế không có nhiều điểm
sáng đó khiến người trưởng thôn mới nhận chức phải suy tính nhiều đêm để
tìm hướng giảm nghèo, cải thiện đời sống cho bà con.
Bằng nhiệt huyết và sức sáng tạo của
tuổi trẻ, anh Đức đã đưa ra những cách làm kinh tế mới cho người dân.
Bước đột phá đầu tiên là anh vận động bà con trong thôn hiến đất mở rộng
đường giao thông nông thôn. “Ngày trước, đường hẹp chỉ vừa xe bò, còn
xe cơ giới thì chịu không vào nổi trong làng. Người dân nuôi được con
lợn, con gà muốn đem bán thì cũng bị thương lái ép vì ngại đường khó
vào”, anh Đức cho biết.
Nhiều người dân nhất trí hiến đất mở
đường, tuy nhiên cũng có người tiếc đất nên vẫn ngần ngại. Anh cùng các
đoàn thể trong thôn lại gõ cửa từng nhà làm công tác tư tưởng. Bà con
nghe ra đã gật đầu đồng ý. Kết quả là cả thôn hiến hơn 5.000 mét vuông
đất, đường rộng đủ cho ô tô tải đi lại thuận tiện trong thôn.
Đường đã thông thoáng, anh Đức cùng
người dân tính chuyện làm ăn. Tận dụng lợi thế đất đồi núi rộng với diện
tích khoảng 135 ha, mô hình kinh tế trồng rừng kết hợp với chăn nuôi
được ưu tiên lựa chọn. “Cần mạnh dạn bỏ thói quen sản xuất cũ, lạc hậu
để áp dụng những cách làm mới hiệu quả. Mình là đảng viên, lại là trưởng
thôn nên phải noi gương làm trước”, anh Đức nói.
Bản thân trưởng thôn là một trong những
người đi đầu vận dụng cách làm ăn mới. Anh nhận 2 ha đất đồi hoang cải
tạo trồng keo, xây chuồng nuôi gà quy mô lớn với trên 2.000 con một lứa,
đồng thời đắp bờ ngăn khe suối làm ao thả cá. Với cách làm đó, anh thu
hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Nhìn thấy trưởng thôn có của ăn của để
từ mô hình kinh tế trồng rừng kết hợp chăn nuôi, từ chỗ thờ ơ với đất
đồi trống, người dân trong thôn đua nhau đăng ký nhận đất đồi để trồng
rừng. Nhà ít cũng tầm 2 ha, nhà nhiều thì có trong tay hơn 5 ha trồng
keo, bạch đàn.
7 năm làm trưởng thôn, rồi bí thư chi
bộ, anh Đức đã góp phần làm thay đổi diện mạo ở một thôn thuộc diện khó
khăn nhất của huyện Phú Bình. Từ chỗ hộ nghèo trong thôn chiếm tới gần
70%, đến nay đã giảm xuống còn hơn 27%. Bây giờ, thôn Bờ La đã có 5
trang trại nuôi gà với quy mô trên 1.000 con một lứa. Các gia đình thu
cả trăm triệu từ trồng rừng đã không còn hiếm.
“Cậu ấy làm việc được lắm”
Làm trưởng thôn khi tuổi mới ngoài đôi
mươi, nhưng anh Đức đã nhận được sự tin yêu của bà con. Nói chuyện với
nhiều người dân trong thôn về anh, tôi luôn nhận được những cái gật đầu,
tấm tắc khen gợi.
“Cậu ấy làm việc được lắm. Nhiều người
dân trong làng yêu mến Đức, bởi cậu làm việc có trách nhiệm, lại hay
giúp bà con trong xóm”, bà Lục Thị Hợp, một người dân trong thôn chia
sẻ.
Vợ chồng bà ưng cái bụng nhất là việc
anh vận động người dân trong thôn hiến đất để mở rộng đường giao thông.
Bởi lẽ, bà thấy được lợi ích thiết thực từ khi con đường hoàn thành. Gia
đình bà nhận đất đồi để trồng rừng diện tích thuộc loại lớn nhất thôn
với 5 ha. Ngày trước, đường vào thôn nhỏ, xe cơ giới chưa vào được, mỗi
lần rừng keo đến lúc thu hoạch lại lo thuê người khuân vác, người thu
mua viện cớ đường khó đi trừ mất của bà mấy giá.
“Giờ xe ô tô tải vào tận cổng, gỗ bán
giá cao hơn trước. Hôm cưới con tôi, xe ô tô đưa đón cô dâu, chú rể vào
đến sân nhà mà không phải đỗ ở tít ngoài xã như trước nữa”, bà Hợp phấn
khởi nói.
Cách nhà anh Đức hơn một quả đồi, chúng
tôi tới thăm gia đình chị Vi Thị Trang và anh Phạm Văn Việt. Chồng đi
vắng, một mình chị đang cho hơn 1.000 con gà ăn.
“Chú Đức tốt tính lắm. Những lúc đàn gà
có vấn đề gì, gia đình tôi gọi một tiếng là chú có mặt tư vấn phòng,
chữa bệnh ngay”, chị Trang cho biết.
Mỗi năm vợ chồng chị xuất hai lứa gà, thu lãi gần 20 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình chị với 3 đưa con nhỏ đỡ khó hơn.
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó bí thư Đảng
ủy xã Tân Kim cho hay: “Đức là đảng viên trẻ làm việc có năng lực, dám
đổi mới tư duy và cách làm việc. Bà con trong thôn tín nhiệm bầu cậu ấy
làm lãnh đạo thôn suốt 7 năm qua”.
Năm 2011, anh Đức là đại biểu của huyện
Phú Bình tham dự Hội nghị biểu dương cán bộ làm dân vận khéo người dân
tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên. Thôn Bờ La nhiều năm liền được công nhận
là Khu dân cư tiên tiến cấp huyện.
(tổng hợp)
0 Nhận xét
Post a Comment