Hàng loạt người dân ở xã Tân Đức (huyện Phú Bình) "tố" cán bộ địa chính xã thực hiện quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) không minh bạch, sai quy trình và có dấu hiệu trục lợi.
Một tay làm tất
Ông Đào Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Tân Đức thừa nhận việc nhận tiền trước của người dân để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất là không đúng quy định
Theo Sở TN-MT Thái Nguyên, hiện quy trình cấp giấy CNQSDĐ lần đầu hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang được thực hiện theo cơ chế một cửa.
Nghĩa là người dân đến nộp hồ sơ tại UBND xã phường, sau đó cán bộ địa chính sẽ phối hợp với đơn vị TN-MT huyện, TP để hoàn thiện thủ tục. Cuối cùng, người dân thực hiện nghĩa vụ thuế để nhận được sổ đỏ.
Nhưng ở xã Tân Đức, đông đảo người dân lại khẳng định, hai đời cán bộ địa chính xã đều thực hiện theo đúng một quy trình: Thu tiền trực tiếp của dân theo hình thức "trọn gói".
Từ khi nộp tiền cho cán bộ địa chính xã đến khi nhận sổ đỏ, nhiều người dân không phải ký vào giấy tờ gì, thậm chí không phải ra Kho bạc Nhà nước để nộp tiền.
Ông Vũ Đình Sáng (xóm Cầu Diễn, xã Tân Đức) cho biết: "Năm 2013 tôi có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây nhà.
Anh Nguyễn Văn Hùng - cán bộ địa chính xã nói là hết 39 triệu. Tôi đưa số tiền cho anh Hùng tại UBND xã. Khi tôi yêu cầu có biên lai hay hóa đơn thu tiền thì anh Hùng bảo bác làm khó dễ chúng cháu, không cần hóa đơn".
Gần một tháng sau, ông Sáng nhận được giấy CNQSDĐ số 02219/QSDĐ. Tuy nhiên, điều mà ông Sáng băn khoăn là đơn giá ông phải đóng tiền để chuyển đổi là bao nhiêu, số tiền thực sự đã được nộp cho Nhà nước để ông có sổ đỏ là bao nhiêu, hay việc, bản thân ông là đối tượng thương binh thì xét miễn giảm ra sao? Tất cả những câu hỏi trên đều không được cán bộ địa chính xã trả lời.
Còn ông Bùi Chí Bộ (xóm Diễn) cho biết, ông lại phải đến tận nhà ông Nguyễn Văn Hùng để đưa 65 triệu đồng làm sổ đỏ vào đầu năm 2014. Hơn một tháng sau, ông Bộ được cán bộ địa chính gọi lên xã lấy sổ về, trước đó ông phải nộp thêm 4 triệu đồng nữa để nhận được sổ. Toàn bộ số tiền đó, ông Bộ không nắm được cụ thể số tiền thực nộp vào ngân sách Nhà nước là bao nhiêu.
Việc giao - nhận tiền giữa người dân với ông Nguyễn Văn Hùng - cán bộ địa chính xã thường không có giấy tờ ghi lại. Tuy nhiên, đã có những người dân sẵn sàng làm chứng khi chứng kiến các giao dịch đó.
Ba người dân là bà Dương Thị Sơn, Dương Thị Kiểm và Trần Thu Hường đã cùng nhau đến nộp tiền làm sổ đỏ cho ông Nguyễn Văn Hùng. Cả ba đều xác nhận đã chứng kiến những người còn lại đưa tiền trực tiếp cho ông Hùng.
Như bà Dương Thị Kiểm đã đưa 57,7 triệu đồng, bà Dương Thị Sơn đưa 39,3 triệu đồng và bà Trần Thu Hường đưa 29,6 triệu đồng. Dù nhận được sổ đỏ nhưng cả ba đều không biết số tiền mình nộp đã được sử dụng ra sao.
Ỉm sổ đỏ?
Theo đông đảo người dân, sự khuất tất, thiếu minh bạch trong việc thực hiện quy trình cấp giấy CNQSDĐ ở xã Tân Đức còn diễn ra ở nhiệm kỳ cán bộ địa chính trước đó.
Ông Nguyễn Xuân Cường - nguyên Bí thư Chi bộ xóm Diễn trong 9 năm cho hay: "Từ năm 1997, tôi trực tiếp xác nhận để trình lên UBND xã cấp sổ đỏ cho 35 hộ dân đã sinh sống ổn định lâu năm tại xóm. Sau đó, các hộ đều được cấp giấy CNQSDĐ nhưng không hiểu sao lại sót lại 5 hộ dân đến tận năm 2013 mới được nhận sổ".
Ông Cường quả quyết các hộ dân có tên trong danh sách được cấp giấy CNQSDĐ năm đó đều đủ điều kiện được cấp, thậm chí còn có tên trong hồ sơ của Phòng TN-MT huyện Phú Bình.
Như trường hợp ông Nguyễn Hữu Toán, được ông Cường cho biết đã được cấp sổ có số thứ tự 1225 một thửa rộng 120m2, số thửa 1842, tờ bản đồ số 9. Thế nhưng, khi các hộ dân khác đã được nhận sổ, thì ông Toán cùng 4 hộ khác không biết sổ của mình đang lưu lạc nơi nào.
Cán bộ địa chính xã ở thời kỳ đó là ông Đào Hải Tuấn trả lời với các hộ dân là không biết. Bà Đào Thị Bình (xóm Diễn Cầu) kể lại: "Khi có nhu cầu sử dụng sổ đỏ, tôi ra hỏi anh Tuấn cán bộ địa chính xã thì nhận được câu trả lời là không có.
Trong khi các hộ khác làm sổ đỏ cùng thời kỳ với tôi đã nhận được sổ, chỉ mất 13.500 đồng lệ phí. Sau này, cán bộ địa chính xã lại gọi chúng tôi ra nhận sổ và phải nộp 15 triệu đồng".
Đến giữa năm 2013, bà Bình đã bấm bụng đem 10 triệu đồng đến gặp cán bộ địa chính mới là ông Hùng để lấy sổ đỏ.
Tất nhiên, số tiền này được đưa trực tiếp cho cán bộ địa chính, không có biên lai, chứng từ liên quan. Câu hỏi tại sao 35 hộ cùng làm sổ đỏ mà chỉ có 5 hộ không được nhận sổ ở thời điểm năm 2003 hiện vẫn chưa có lời giải đáp.
Đặt cọc thì làm sổ
Khi biết có PV về xã tìm hiểu việc cấp giấy CNQSDĐ tại xã Tân Đức, đã có khá đông người dân đến phản ánh tình trạng cán bộ địa chính "bao" làm sổ đỏ trọn gói.
Ông Đào Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Tân Đức thừa nhận việc nhận tiền trước của người dân để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất là không đúng quy định
Chỉ cần "thỏa thuận" được giá là cán bộ địa chính xã Tân Đức gồm ông Đào Hải Tuấn (trước đây) và ông Nguyễn Văn Hùng (hiện nay) có thể thực hiện được. Hiếm người dân nào biết được số tiền mình đưa tận tay cho cán bộ địa chính đã được sử dụng ra sao.
Một trong những người hiếm hoi lưu lại được "bút tích" của cán bộ địa chính xã nhận tiền đặt cọc để chuyển đổi mục đích sử dụng đất là bà Dương Thị Tập (xóm Diễn).
Theo nội dung Giấy biên nhận tiền ngày 19/9/2014, bà Dương Thị Tập nộp tiền sử dụng đất (tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở tại nông thôn) để được làm nhà theo đề nghị của gia đình. Số tiền là 20 triệu đồng. Giấy biên nhận này có chữ ký của ông Nguyễn Văn Hùng - cán bộ địa chính và bà Dương Thị Tập.
Trao đổi với chúng tôi, bà Tập cho biết: "Gia đình tôi mới mua đất, đang đào móng xây dựng nhà thì các anh ở xã bảo là phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Mức giá anh Hùng đưa ra là 39 triệu đồng, tôi phải nộp trước 20 triệu đồng. Nhưng sau này, khi làm xong hết con gái tôi chỉ đưa cho anh Hùng số tiền là 26 triệu đồng".
Lý giải về việc này, ông Đào Minh Hải (Chủ tịch UBND xã Tân Đức) cho rằng: "Nhà bà Tập muốn làm chuyển đổi do có nhu cầu muốn làm nhà, xã cũng đã có nhắc nhở và bà Tập đề nghị linh động".
Tuy nhiên, ông Hải đã thừa nhận việc nhận tiền trước của người dân để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất là không đúng.
Sai quy định
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân, ông Hoàng Thanh Giao - Chủ tịch UBND huyện Phú Bình đã giao Công an huyện xác minh, điều tra làm rõ. Đồng thời, triệu tập một Hội nghị gồm tất cả cán bộ địa chính trong huyện để quán triệt, chấn chỉnh.
Ông Giao cho biết: "Tôi có nhận được thông tin người dân phản ánh có hiện tượng hai đồng chí cán bộ địa chính chậm giao sổ đỏ đã được cấp cho người dân và đòi tiền mới trả sổ.
Thứ hai là việc khi người dân muốn chuyển mục đích sử dụng đất thì cán bộ địa chính yêu cầu phải nộp trước một số tiền. Số tiền này, người dân cũng băn khoăn không biết có được nộp vào ngân sách Nhà nước hay không?".
(Tổng hợp)
0 Nhận xét
Post a Comment