- Không những không bảo vệ quyền lợi cho người lao động theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Sở Lao động thương binh và xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Thái Nguyên còn cố tình chèn ép, buộc thôi việc và không trả lương theo phán quyết của tòa.
Chức năng nhiệm vụ của LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên. |
Trong ca trực ngày 6/2/2008, do sơ xuất để kẻ gian vào lấy trộm một số xoong, nồi của nhà bếp tại đơn vị, ông Phạm Văn Mạnh, đã tự giác mua đền vật dụng, nhằm khắc phục thiếu sót của mình. Tuy nhiên, ông Mạnh vẫn không tránh khỏi án kỷ luật, thậm chí còn nhận đến 3 quyết định thôi việc từ Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên.
Tại Quyết định số 508/2008/QĐ –LĐTBXH, ngày 07/10/2008, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên do không hiểu biết pháp luật hay cố ý vô tình “đổ” tội lây nhiễm HIV cho người khác để buộc thôi việc một nhân viên bảo vệ trong ca trực đêm để kẻ gian lấy trộm mấy chiếc xoong nồi của nhà bếp khi trích dẫn “Vi phạm Điều 117 của Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Để thay thế số 508/2008/QĐ –LĐTBXH sai trái “muối mặt” này, ngày 28/10/2008 bà Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên lại tiếp tục hạ bút ký Quyết định số 665/2008/QĐ –LĐTBXH, để rồi lại bị Tòa án nhân dân Tối cao tuyên hủy vì trái pháp luật.
Lẽ ra Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên phải biết, bà Hằng cũng biết để sửa sai, nhưng ngược lại sai vẫn không được sửa mà còn tiếp tục ký tiếp thêm một quyết định sai trái nữa, QĐ số 667/QĐ –LĐTBXH ngày 26/10/2011 vẫn xoay quanh nội dung về việc “kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Mạnh”. Một lần nữa Tòa tối cao lại phải cất công mở phiên tòa xét xử và ra Quyết định hủy, đình chỉ giải quyết vụ án.
Phán quyết của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên
Không chỉ thiệt hại về vật chất mà còn bị tổn hại nghiêm trọng về tinh thần - làm cho ông Phạm Văn Mạnh phải lao đao, đơn thư nhiều nơi để kêu cứu, khó khăn lại chồng chất khó khăn, song dưới sự minh bạch của pháp luật và đặc biệt là sự công tâm của các cấp tòa, cuối cùng ông Mạnh cũng được minh oan.
Thế nhưng, minh oan xong thì quyền lợi của người lao động-ông Phạm Văn Mạnh- vẫn bị Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên cố tình chèn ép.
Từ những quyết định trái pháp luật trên của Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên không được kiểm điểm, xem xét thấu tình đạt lý, buộc ông Mạnh lại phải tiếp tục khởi kiện đòi tiền lương trong thời gian từ tháng 8/2008 đến hết tháng 8/2009 ông không được hưởng và các chế độ khác theo quy định do bị kỷ luật oan sai.
Chấp nhận đơn khởi kiện của ông Phạm Văn Mạnh, nhiều lần Tòa án Nhân dân thành phố Thái Nguyên yêu cầu triệu tập nhưng Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên vẫn tiếp tục viện cớ lý do này lọ để vắng mặt.
Ngày 27/2/2014 Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên đã mở phiên tòa xét xử và ra Quyết định “Buộc Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên có trách nhiệm thanh toán cho ông Phạm Văn Mạnh khoản tiền lương 12 tháng…”
Thua kiện nhiều lần nên kháng cáo đã thành quen. Ngày 29/8/2014 Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên lại phải mở phiên tòa xét xử phúc thẩm nhưng phía bị đơn (người kháng cáo) đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên đã được triệu tập hợp lệ nhưng vẫn lấy lý do để vắng mặt lần thứ hai.
Những lý do xin hoãn phiên tòa nêu trong đơn không thuộc trường hợp bất khả kháng. Vì vậy hội đồng xét xử ra Quyết định số: 01/2014/QĐ-PT ngày 29/8/2014 “Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật”.
Theo Giới thiệu trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, “Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: việc làm; dạy nghề; lao động; tiền lương, tiền công; bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp); an toàn lao động; người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội (gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội); về các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Sở và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và theo quy định của pháp luật.”
Như vậy có thể thấy rằng Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên là cơ quan Nhà nước không những không bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động mà còn luôn gây phiền hà cho công dân khi họ chỉ đòi quyền lợi hợp pháp, chính đáng. Việc làm vô trách nhiệm và có tính chất áp đặt cá nhân gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người lao động đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Không những vậy, những người đứng đầu Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên mà đặc biệt là vị giám đốc 3 lần ký quyết định kỷ luật sai này vẫn đang cố tình thách thức dư luận, nhân dân tỉnh Thái Nguyên, coi thường các cấp tòa và các bản án của tòa.
Theo Thái Nguyên Nhân:báo xây dựng
0 Nhận xét
Post a Comment