(Theo tin:báo xây dựng )
(Xây dựng) - Hơn 7 năm kể từ ngày khởi công, Dự án đầu tư mở rộng xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên vẫn chưa biết đến ngày hoàn thành.
Trước thời điểm năm 2007 thị trường thép xây dựng trong nước thực sự nóng bỏng, vì vậy mục tiêu điều tiết thị trường này được Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Trong bối cảnh ấy, Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên thuộc Tổng Cty Thép Việt Nam được phê duyệt với tổng vốn đầu tư 3.843 tỷ đồng và nằm trong nhóm A của Chính phủ.
Khi phê duyệt dự án “khủng” này, cơ quan chức năng đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào nó. Vì thế, năm 2007 Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã được tổ chức khởi công rầm rộ với mong muốn nâng cao năng lực sản xuất phôi thép và thép cán từ nguyên liệu trong nước lên 1.000.000 tấn/năm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và đưa Cty trở thành một trong những nhà sản xuất thép có quy mô, công nghệ và thiết bị tiên tiến trong khu vực và thế giới, đảm bảo cho Cty phát triển nhanh và bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo kế hoạch thì đến năm 2011- tức là sau khoảng 4 năm thi công- Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên sẽ hoàn thành, được nghiệm thu và chạy thử nghiệm.
Thế nhưng, đến nay sau hơn 7 năm kể từ ngày khởi công và hơn 4,5 nghìn tỷ đồng đã được giải ngân cùng tổng mức đầu tư đã được đề xuất điều chỉnh lên con số kỷ lục là hơn 8,1 nghìn tỷ đồng, Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên vẫn chưa biết đến ngày hoàn thành.
Hầu hết các hạng mục thi công đều dở dang: Bãi liệu, thiêu kết, luyện gang, luyện thép và oxy đều chưa hoàn thiện; tiêu hết số tiền được phê duyệt nhưng nhà máy vẫn chưa thành hình hài.
Con số về đồng tiền đã tiêu cùng với thực tế công trường xây dựng khiến dư luận phải phải giật mình, bởi thông thường, các dự án chỉ để dự phòng đến tối đa 10% chi phí, nhưng riêng Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên thì khoản chi phí phát sinh còn lớn hơn cả tổng mức đầu tư ban đầu?
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra kể từ khi Chính phủ có kết luận và chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) góp vốn tối thiểu là 1.000 tỷ đồng vào Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên với tư cách là cổ đông Nhà nước, như: Giải pháp này có “đủ liều” để Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên hoàn thành giai đoạn 2 dự án mở rộng nhà máy trong bối cảnh công ty kinh doanh liên tục thua lỗ? Thực tế Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên sẽ “ngốn” bao nhiêu tiền? Sau khi nhà máy đi vào hoạt động có thể vận hành hết công suất hay lại chỉ hoạt động cầm chừng và tiếp tục cộng dồn các món nợ ngân hàng? Cơ quan, cá nhân nào chịu trách nhiệm về việc chậm tiến độ và đội vốn của dự án khủng này?...
Tiếp tục “giải cứu” hay từ bỏ Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên? Có lẽ đây là quyết định đặc biệt khó khăn đối với các cơ quan chức năng vì tiền đã tiêu trên 4,5 nghìn tỷ đồng nếu không đi tiếp thì sẽ phải giải quyết vấn đề công nợ như thế nào? Nhưng ngược lại, nếu tiếp tục đầu tư rất có thể sẽ “sa lầy” thêm ít nhất 4,261 nghìn tỷ đồng nữa vào dự án, lúc ấy trách nhiệm sẽ còn nặng nề hơn gấp nhiều lần.
Để giúp bạn đọc có một cái nhìn đa chiều về Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Báo Điện tử Xây dựng sẽ đăng loạt bài viết liên quan dưới tiêu đề chung: “Nghi ngại về cuộc “giải cứu” Gang thép Thái Nguyên”
Mời quý độc giả đón đọc.
Tổ PVĐT
0 Nhận xét
Post a Comment