Thuộc xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 40 km về phía bắc. Khu di chỉ hang động ở Thần Sa thuộc thời đại đồ đá cũ, có niên đại cách ngày nay từ 30.000 đến 10.000 năm,được phát hiện năm 1972 và đã trải qua nhiều lần khai quật;gồm các di chỉ: Phiêng Tung, Ngườm, Thắm Choong, Ranh 1, Ranh 2, Hạ Sơn 1, Hạ Sơn 2, Nà Ngùn, Nà Khù…
Hang Phiêng Tung (Miệng Hổ) ở sườn đông núi Mèo, có độ cao hơn 50 mét, phải bám vào cành cây, dây leo, vách đá mới lên được. Hang cao khoảng 7 mét, rộng 10 mét, sâu 20 mét, có 2 tầng; tầng trên hẹp, không chứa di vật khảo cổ; tại tầng dưới, các nhà khảo cổ học đã thu được 659 hiện vật đá chủ yếu là các mảnh tước nhỏ có vết tu chỉnh dùng làm công cụ mũi nhọn và công cụ nạo cắt.
Mái đá Ngườm có hình hàm ếch, rộng khoảng 60 mét, cao 30 mét, mặt nền hơn 70m2, nằm ở dãy núi Ngườm, gần bờ sông Nghinh Tường, cách hang Phiêng Tung chừng 1km về phía tây nam.
Ba hố khai quật tại đây cho thấy, Ngườm có 3 tầng văn hóa. Tầng dưới cùng niên đại tuyệt đối trên 25.000 năm,chứa hàng vạn công cụ mảnh tước và hạch cuội. Tầng giữa niên đại tuyệt đối 25.000 năm. Tầng trên có niên đại tuyệt đối 20.000.000 năm. Trong các hố khai quật, còn có xương, răng bò rừng, lợn rừng, nhím, khỉ và một hàm đười ươi (pongo) và hai bộ xương có kè đá xung quanh của một người đàn ông khoảng 75 – 80 tuổi, một người đàn bà khoảng 35 – 40 tuổi.
Với kết quả nghiên cứu di chỉ hang Phiêng Tung và mái đá Ngườm ở Thần Sa, các nhà khảo cổ học đã xác định có một nền văn hóa khảo cổ học Thần Sa thuộc thời đại đồ đá cũ, chủ nhân của nó là những người Homôsapiens(người khôn ngoan).
(Tổng hợp)
0 Nhận xét
Post a Comment