TNTT- Những vị "thần y" tại xóm La Hồng (xã Mỹ Yên, Đại Từ, Thái Nguyên) này không chỉ nổi tiếng bởi phương thuốc chữa bệnh "độc nhất vô nhị" của mình, mà họ còn có chung một tôn chỉ "không được xem trọng đồng tiền hơn y đức". Nhiều người luôn cho rằng, vùng đất này rất lạ, lạ từ con người đến cách chữa bệnh. Gãy xương tay trái thì đắp tay phải, đau chỗ nọ thì đắp chỗ kia, đi hái thuốc phải kiêng chuyện phòng the...
Vùng đất phát tích lương y
Vùng đất phát tích lương y
Men theo con đường nhỏ xóm núi, chúng tôi đến vùng đất được mệnh danh là nơi ẩn chứa nhiều điều đặc biệt, được đắm mình trong bạt ngàn cây xanh dưới chân núi Tam Đảo, được "say" hương thuốc của những vị "thần y" nơi đây. Có lẽ những con người sinh ra tại vùng núi miền sơn cước này đã quá quen từng cánh rừng, ngọn suối. Ký ức tuổi thơ của họ vẫn nhớ như in hình ảnh đôi chân bé thoăn thoắt theo cha vào rừng tìm những vị thuốc quý hiếm về chữa bệnh cho dân làng. Cũng chính vì vậy mà ngay từ nhỏ họ đã nhớ mặt, biết tên những loại thuốc quý, tự mình sáng chế ra những phương thuốc chữa bệnh đến kỳ diệu.
Nhấp chén trà nóng, lương y Nghiêm Xuân Thành (SN 1950), Chủ tịch hội Đông y xã Mỹ Yên hơn 20 năm qua, người nắm giữ nhiều bài thuốc quý hiếm chia sẻ: "Nhiều người cũng đã hỏi tôi vì sao cái xóm nhỏ này lại ẩn chứa nhiều cái "lạ" như vậy. Quả thực, ngay bản thân chúng tôi cũng không thể giải thích được. Chỉ nhớ rằng, đây là vùng đất có nhiều sản vật quý hiếm, những con người nắm được cái "thần" của thuốc, họ sử dụng cây thuốc bằng những cách riêng để đánh tan bệnh tật".
Có lẽ, ít người có thể ngờ rằng, tại vùng đất mà mỗi khi người ta nhắc đến đều rùng mình nghĩ ngay tới chốn lam sơn chướng khí, ma thiêng nước độc, đêm đến là nghe thấy tiếng gió gào thét trong những thung lũng hẹp. Nhưng từ những lời bộc bạch rất chân thành của vị Chủ tịch hội Đông y này thì đây là một vựa lớn những vị thuốc độc đáo, phương pháp chữa bệnh "có một không hai" của những vị lương y chân đất.
Ông Thành cho biết, chỉ tính riêng xóm La Hồng đã có bốn thầy thuốc chữa bệnh rất giỏi, đều là phương thuốc gia truyền. Ông Vĩnh ở đầu xóm chữa bệnh về xương, khớp, phương thuốc của ông ấy rất lạ, chỉ vài thứ cây ở chân núi khi đắp vào cũng khiến cho người bệnh cảm thấy thoải mái, thư thái.
Đi khoảng 200m là đến nhà ông Nghị, người nổi tiếng bó gãy xương. Ông cũng có một cái mẹo vô cùng đặc biệt mà ít người học được. Nhiều người từ xa cũng lặn lội đến để chờ ông nắn xương, đắp thuốc, thời gian chữa chỉ trong vòng 20 ngày, tiết kiệm chi phí.
Ông Nghị được cha truyền cho phương pháp chữa bệnh này, cha ông cũng học nghề từ một vị cán bộ tiền khởi nghĩa. Đi thêm 300m, rẽ phải là đến nhà ông Chín, có biệt tài chữa bệnh xương, thận, gan. Thuốc của ông Chín cũng chủ yếu là cây, lá trên núi... chỉ có điều, khi đi hái dược liệu về chữa bệnh phải tuyệt đối kiêng chuyện phòng the.
"Xã tôi có đến 11 vị lương y, ai cũng có một bài thuốc chữa bệnh của riêng mình, bí quyết họ chỉ truyền cho con cháu trong nhà, những phương thuốc hay cách chữa bệnh của họ đều khá bí ẩn. Có lẽ, mỗi người đều đã nắm được cái "thần" của bài thuốc", ông Thành cho biết thêm.
Khi nhắc về cái duyên để có những bài thuốc vô cùng quý báu của mình, ông Thành trầm ngâm: "Ngày trước tôi bị viêm ruột mãn tính rất nặng, chạy chữa khắp nơi không khỏi, sau đó tôi đã tìm đến một thầy thuốc cao tay chữa khỏi bệnh chỉ bằng một vài thảo dược. Chính nhờ đó mà cái "duyên" và thuốc đến với tôi. Tôi đã xin thầy chỉ bảo, hướng dẫn cho phương thuốc chữa bệnh viêm ruột mãn tính này. Ban đầu thầy từ chối nhưng vì thấy tôi có lòng thành muốn học nghề thuốc nên thầy đã truyền dạy. Khi về nhà, tôi tự nghiên cứu, tìm hiểu và sáng chế ra rất nhiều vị thuốc khác nhau".
Cách chữa bệnh “lệch pha” hiệu quả đến khó tin
Theo sự hướng dẫn của ông Thành, chúng tôi tìm đến nhà ông Dương Thanh Nghị (SN 1935), người đang sở hữu phương pháp chữa gãy xương có phần "lạ" và độc đáo.
Ông Nghị nhớ lại, bố ông là người nắm giữ nhiều bài thuốc quý, chính vì thế ngay từ nhỏ ông đã theo bố lên núi hái thuốc. Ông có một trí nhớ rất tốt nên mỗi loại thuốc, vị thuốc chữa loại bệnh gì ông đều "khắc cốt ghi tâm". Khi lớn lên ông được cử đi học một lớp sư phạm.
Năm 1968, ông được nhận nhiệm vụ đặc biệt trong ngành tình báo. Khi vào chiến trường ác liệt không chỉ trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù mà ông còn cứu chữa rất nhiều đồng đội bị gãy xương. Ai cũng ngạc nhiên về cái mẹo "độc nhất vô nhị" của ông.
Ông chia sẻ: “Khi có người bị gãy xương, tôi phải chỉnh, nắn xương họ lại, sau đó giã thuốc, đắp cách xa vết thương cả gang tay. Điều đặc biệt, nếu gãy xương tay trái thì đắp thuốc tay phải và ngược lại. Khi làm như vậy, thuốc sẽ ngấm vào lỗ chân lông và truyền sang phía tay đau, giúp vết thương mau lành hơn, đây cũng là mẹo lấy khỏe nuôi yếu".
Kết thúc chiến tranh, ông trở về quê hương dạy học và chữa bệnh cho dân làng. "Tôi là truyền nhân thứ ba của phương thuốc quý hiếm này, ngày xưa, khi bà con nhân dân trong vùng còn khó khăn, mỗi lần chữa khỏi họ cảm ơn bằng con gà, cân gạo... nhưng như vậy tôi cũng thấy rất vui”, ông Nghị chia sẻ.
Chúng tôi thắc mắc vì sao ông lại học được cách chữa "lệch pha" này ông cười bảo: "Đây là phương pháp có một không hai, nhưng không phải ai cũng có thể làm được, phải tùy vào cái duyên của từng người đấy, nhiều người đã đến đây xin học nhưng kết quả không thể học được. Bài thuốc chữa gãy xương của gia đình tôi tuy có phần lạ và độc nhưng nó rất hiệu quả”.
Ông Nghị cũng cho biết, ông chủ yếu chữa bệnh bằng lá cây rừng và nhựa của những loại cây quý hiếm, nhựa cây chính là một vị thuốc giúp cho vết thương mau lành. Không chỉ chữa gãy xương chân, tay, ông còn có thể chữa được những ca vỡ xương chậu, xương bả vai, xương cổ... trong thời gian ngắn nhất. Khi đắp thuốc, vết thương sẽ không có cảm giác đau rát mà lại phục hồi rất nhanh.
"Nếu gãy tay thì chỉ 5 ngày sau là hết đau. Trẻ em 12 ngày là có thể hoạt động trở lại gần như bình thường, người lớn thì cần nhiều thời gian hơn, từ 15-20 ngày. Nếu gãy chân thì cần hơn một tháng để xương lành lại”, ông Nghị khẳng định. Hơn 40 năm chữa bệnh, ông chưa hề đầu hàng trước một bệnh nhân nào, cũng không nhớ mình đã chữa cho bao nhiêu bệnh nhân khắp mọi miền đất nước, nhưng 11 quyển sổ được xếp gọn gàng trong tủ cũng chính là bằng chứng cho việc làm của ông. Nhiều bệnh nhân đến nhưng vì vết thương quá nặng, ông cũng khuyên họ nên đến các cơ sở y tế để chụp, chiếu rồi mang phim về để ông chữa cho chuẩn xác.
Cụ Thương (một người dân tại xóm La Hồng) cho biết: "Ông Nghị không bao giờ nhận mình là lương y, khi chúng tôi gọi ông là thầy lang ông cũng lắc đầu. Cách đây hơn 1 tháng tôi bị ngã gãy chân, được người nhà đưa đến nhờ ông Nghị bó thuốc. Nhưng vì hoàn cảnh tôi quá khó khăn nên ông Nghị không đòi hỏi tiền thuốc hay quà cáp gì. May mà dân nghèo chúng tôi gặp được người như ông Nghị".
Trải qua bao thăng trầm của vạn vật, nhờ những sản vật của rừng, vùng đất ấy đã sinh ra những lương y chân đất, có nghĩa cử cao đẹp, hết lòng vì người bệnh. Cơ duyên đến với nghề thuốc của mỗi người dường như là một định mệnh và trong họ luôn có một tâm niệm "muốn hành nghề y phải có đức".
(Theo tin:DS&PL)
0 Nhận xét
Post a Comment