TNTT-Quá nửa đời người sống trong cảnh cô đơn, giờ đã ở tuổi 74, cụ Nguyễn Thị Trải vẫn một mình trong căn nhà cũ kỹ và dột nát.
Niềm mong mỏi được nhìn thấy con cháu chính là động lực giúp cụ sống tiếp từng ngày.
Cụ Nguyễn Thị Trải . |
Cách Trung tâm thành phố Thái Nguyên chừng 40km, cụ Trải ở xóm Vầu, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên
. Để đến được nhà cụ, chúng tôi phải vượt qua đoạn đường dài với đá sỏi lởm chởm, ngoằn nghoèo. Hai bên đường, rất ít người sinh sống và đời thì sống vô cùng khó khăn. Cụ Trải cũng nằm trong số đó.
Phận làm lẽ, bị chồng ruồng bỏ, cụ Trải sống trong cô đơn quá nửa đời người. Tiếp chúng tôi trong căn nhà tối tăm, ẩm thấp với 3 chiếc ghế làm bằng những mảnh gỗ thừa, trong đó đã có một cái gãy chân phải kê lên gạch, cụ Trại buồn rầu kể về cuộc đời mình: “Tôi lấy chồng, khi vợ cả của chồng đã qua đời. Chồng tôi có 6 người con riêng. Chúng tôi có hai người con chung, đứa đầu lòng là gái. Năm 1977, tôi mang bầu đứa thứ 2, nhà khó khăn cơm ăn chẳng đủ, mình cũng phải nhường cơm cho các con. Nhiều hôm ốm lắm nhưng chẳng ai đoái hoài, tôi phải cố dậy kiếm cái gì ăn để nuôi đứa con trong bụng. Đến khi sinh được một đứa con trai, vậy mà nó cũng chẳng sống được. Từ lúc nó mất, tôi bị chồng bỏ rơi… Thôi thì người ta có con riêng rồi thì mình cũng chẳng còn được yêu quý gì nữa”. Nói đến đây cụ ngừng nói, run run đưa bàn tay gầy gò, nhăn nheo lên lau nước mắt. Đôi mắt hoen đỏ trực chảy thành dòng trên khuôn mặt khắc khổ đã vất vả suốt một kiếp người.
Từ đó, cụ Trải cùng con gái sống nương tựa vào nhau cho đến khi cô con gái đi lấy chồng. Nhiều đêm, nằm trong chiếc giường nhỏ, mà quá nửa dùng để quần áo và đồ đạc, chỉ vừa chỗ ngả lưng, cụ Trải nhớ con mà rưng rưng nước mắt. Cụ nói: “Cả năm chúng nó mới về được đôi ba lần, hoàn cảnh khó khăn lập nghiệp ở mãi Bắc Ninh, cũng chỉ đủ ăn đủ tiêu nên mình cũng chẳng muốn chúng nó thêm gánh nặng”.
Chị Nguyễn Thị Ly, hàng xóm với cụ Trải chia sẻ: “Cụ Trải là người hiền lành, sống một mình hơn 20 năm nay rồi. Ở một mình nên cụ cũng vất vả, mọi người trong xóm đều thương cụ”.
Lúc còn khỏe, cụ sống nhờ vài đồng kiếm được từ hàng bánh đa. Nhưng đã 3 năm nay, cụ không còn đi bán bánh đa được nữa, mọi chi tiêu đều phải trông cậy vào 180 nghìn đồng, số tiền trợ cấp người nghèo mỗi tháng. Tuổi già vốn đã bệnh tật lại mang bệnh hen mãn tính, cụ Trải ngày càng yếu, mọi sinh hoạt hằng ngày lại trở nên khó khăn hơn. Thỉnh thoảng, bà con hàng xóm thương thì cho củ khoai lang hay vài bộ quần áo cũ.
Tuổi đã cao, răng đã rụng dần, cụ Trại phải ăn cháo hằng ngày thay cơm. Nồi cháo của cụ khá đặc biệt. Mọi thứ có thể ăn được đều được cụ tận dụng để nấu cháo ăn qua ngày. Trong nồi cháo ấy, khi thì củ khoai, khi miếng phổi lợn, đôi khi là cả những múi bưởi vì cụ tiếc và lại cũng chẳng có gì để ăn. Tất cả đều được cụ hầm nhừ để lúc nào đói thì ăn, có khi phải hai ngày mới hết nồi cháo.
Chia tay cụ Trải khi trời đã về chiều. Đôi tay cụ gầy, run run cố giữ lấy những người khách. Cảnh vật về chiều trở nên tĩnh lặng nhưng có gì đó day dứt không yên
(tổng hợp:Tấm gương)
0 Nhận xét
Post a Comment