Thành phố mới - Thái Nguyên
Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã thu xếp được một chuyến đi tới “Thành phố mới - Thái Nguyên”. Xin giải thích ngay rằng, đây không phải là TP. Thái Nguyên mang tính địa giới hành chính quốc gia, mà là một thành phố công nghệ cao chỉ vừa mới được xây dựng tại Phổ Yên (Thái Nguyên) cách đây gần hai năm và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đó là “thành phố” công nghệ cao Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT). Mới nhưng có quy mô lớn và hiện đại đến không ngờ.
Nhưng ở KCN Yên Bình bây giờ không chỉ có SEVT. Trên tổng diện tích đất 170 ha của toàn bộ Khu tổ hợp SEVT, tháng 8/2013, Samsung Electro Mechanics Việt Nam (SEMV) cũng đã đầu tư 1,23 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại Samsung. Thật trùng hợp, hôm chúng tôi đến thăm SEVT (ngày 17/12/2014) cũng là ngày SEMV chính thức vận hành thương mại.Chuyện về thành phố này, dù suốt dọc đường từ Hà Nội lên Thái Nguyên đã được nghe ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina kể, nhưng tới nơi vẫn không khỏi ngỡ ngàng, thậm chí choáng ngợp bởi sự hoành tráng quá đỗi. “Khác với Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh - được xây dựng từng phần theo lịch trình tăng vốn đầu tư, SEVT được xây dựng đồng bộ ngay từ đầu nên quy mô và đẹp hơn hẳn”, ông Đạo nói.
Và đúng là như vậy. Mọi thứ khác hẳn với thời điểm cuối tháng 3/2013, khi SEVT được khởi công xây dựng. Khác từ con đường đi từ Hà Nội lên Thái Nguyên, lẫn con đường dẫn vào KCN Yên Bình. Hai năm trước, đó là những con đường cũ kỹ, chật hẹp, khó đi, nay là đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên 4 làn xe, với tốc độ chạy xe tối đa lên tới 100 km/h. Và đương nhiên, khác hơn cả là nếu như trước đây, nơi này là cả một vùng đất trống mênh mông, đôi chỗ vẫn cỏ dại um tùm, thì hôm nay sừng sững hàng loạt nhà máy hiện đại. SEVT đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động sau một năm xây dựng, bắt đầu từ ngày 10/3/2014.
Ngoài SEMV, còn có Hansol nhưng quy mô nhỏ hơn, vì nhà máy này chỉ có vốn đầu tư 150 triệu USD. Nhưng bất ngờ hơn cả, có lẽ là hai nhà máy đúc và làm vỏ kim loại đang trong quá trình xây dựng. Đây là hai nhà máy nằm trong khuôn khổ dự án mới trị giá 3 tỷ USD mà Thái Nguyên vừa trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Samsung hôm 17/11/2014. Như vậy có nghĩa là, chỉ một tháng sau khi có cái gật đầu của chính quyền địa phương, những khung nhà máy đầu tiên đã thành hình, sẵn sàng cho việc đi vào hoạt động trong năm 2015.
Quá nhanh, ngoài sức tưởng tượng, mà nếu không trực tiếp chứng kiến sẽ cảm thấy thật khó tin. Nhanh đến mức ngay cả đơn vị cho Samsung thuê đất - Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Yên Bình, chủ đầu tư KCN Yên Bình - có lẽ cũng không lường trước được.
Bởi thế, mới cách đây ít ngày, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Công ty Yên Bình đã phải ngồi lại với nhau để thảo luận việc điều chỉnh quy hoạch Dự án Khu đô thị dịch vụ công nghiệp và Dự án Trung tâm dịch vụ thể thao Golf Yên Bình (đều nằm trong Dự án Tổ hợp Yên Bình - PV). Một trong những lý do là vì, tốc độ phát triển quá nhanh của SEVT đã kéo theo nhu cầu về nhà ở và các dịch vụ quanh khu vực KCN Yên Bình lên rất cao. Thế nên phải điều chỉnh quy hoạch để làm sao mở rộng diện tích đất làm nhà ở cho người lao động.
“Truyền thống của chúng tôi là một năm sau khi khởi công xây dựng, sẽ đưa nhà máy vào hoạt động”, ông Đạo mỉm cười.
SEV đã nổi tiếng được phát triển rất nhanh, nhưng SEVT có lẽ còn nhanh hơn nữa. Với hàng loạt nhà máy đang được xây dựng nên, hàng chục ngàn nhân viên mà chỉ riêng ở SEVT hiện nay thôi đã lên tới hơn 35.000 người, cả một vùng đất ở Phổ Yên được đánh thức.
Nghe nói, sau khi SEVT đi vào hoạt động, cuộc sống các vùng dân cư lân cận cũng đã sôi động hơn hẳn. Nhiều hộ gia đình tập trung cung cấp các dịch vụ ăn, ở, kinh doanh các vật dụng thiết yếu hàng ngày cho người lao động ở đây. SEVT có khu ký túc xá với 9 tòa nhà dành riêng cho nhân viên của mình, nhưng hiện mới chỉ đáp ứng cho khoảng 7.880 người, bằng 1/5 tổng số nhân viên hiện tại.
Một cách chính xác, thì một “thành phố mới” có lẽ đang được thành hình...
Bước nhảy thần tốc
Có lẽ, không cụm từ nào có thể chính xác hơn để miêu tả về những gì mà Samsung đã làm được ở mảnh đất Thái Nguyên: “Bước nhảy thần tốc”. Hai năm trước, sau khi tham dự Lễ khởi công SEVT và đến thăm SEV, chúng tôi cũng đã nhìn thấy một “bước chân thần tốc” của Samsung ở Bắc Ninh và kỳ vọng ở Thái Nguyên, cũng sẽ có một bước chân thần tốc như thế. Nhưng còn hơn cả kỳ vọng, SEVT đang thực sự có những “bước nhảy thần tốc”.
Còn nhớ, SEV có vốn đầu tư ban đầu chỉ là 670 triệu USD, sau đó được nâng lên thành 1,5 tỷ USD rồi 2,5 tỷ USD. Còn SEVT ngay từ đầu đã có vốn đầu tư 2 tỷ USD và ngay sau khi dự án thứ nhất đi vào hoạt động được 8 tháng, lại tiếp tục đầu tư dự án thứ hai, với vốn đăng ký gấp rưỡi dự án trước: 3 tỷ USD.
SEV dù có bước tiến ngoạn mục khi sau một năm chính thức đi vào hoạt động (tháng 9/2010) đã đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, để rồi chưa đầy 1 năm sau đó chạm ngưỡng 5 tỷ USD, và từng bước nâng lên 12,72 tỷ USD vào năm 2012; 23,9 tỷ USD năm 2013; song SEVT còn tiến nhanh hơn thế: dù mới chỉ sản xuất 9 tháng, đã xuất khẩu được 7,8 tỷ USD. Cả năm 2014, hai nhà máy SEV và SEVT xuất khẩu được 26,25 tỷ USD - một con số “khủng”.
Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, bởi SEVT đã được thừa hưởng những nền tảng thành công ban đầu của SEV, và cũng còn vì sự chia sẻ đơn hàng giữa hai nhà máy để cân đối nguồn lực trong năm đầu tiên SEVT đi vào hoạt động. Song tiếp chúng tôi tại SEVT, ông Lee Cheol-ku, Phó tổng giám đốc SEVT, không giấu nổi niềm tự hào trước những thành quả mả SEVT đã đạt được.
“Cùng với SEV, SEVT sẽ trở thành nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Samsung. Sản phẩm của chúng tôi sẽ được xuất khẩu tới 52 quốc gia và vùng lãnh thổ”, ông Lee Cheol-ku nói và cho biết, hiện tại, với năng lực sản xuất 150 triệu sản phẩm/năm, hai nhà máy của Samsung ở Việt Nam đang cung cấp khoảng 30% tổng sản lượng điện thoại của Samsung trên toàn cầu.
Thực ra, cũng chẳng phải chỉ riêng người Samsung mới tự hào về những bước tiến của họ ở Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong câu chuyện của mình, luôn lấy Samsung như một hình mẫu nhà đầu tư nước ngoài thành công nhất tại Việt Nam. “Samsung luôn đầu tư rất nhanh, thậm chí nhanh hơn cả cam kết của họ đối với Chính phủ Việt Nam. Đó là một nhà đầu tư nghiêm túc và hiệu quả, họ đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Không chỉ đầu tư nhanh, “đột nhập” nhà máy của Samsung, dù ở Thái Nguyên hay Bắc Ninh, mới thấy hết độ hiện đại của các máy móc, thiết bị ở đây, từ khâu in bản mạch, gắn chíp, đến lắp ráp hoàn chỉnh, hay sản xuất các loại camera module, LCD module…
Hiện tại, số lượng line sản xuất của SEVT nhiều gấp đôi ở SEV. Ở SEVT còn có một khu vực được gọi là phòng sạch (clean room), chuyên sản xuất module màn hình. Tất cả nhân viên khu vực này khi vào làm việc phải mặc trang phục đặc biệt để đảm bảo vệ sinh tuyệt đối, không bám bụi, nhằm tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, có thể xuất khẩu đi toàn cầu.
Đặt câu hỏi về việc những nhà máy của Samsung là sản xuất hay lắp ráp, ông Han Myoung-sup, tân Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, Samsung Electronics Việt Nam là nhà máy đầu tiên của Tập đoàn Samsung trên toàn cầu có dây chuyền sản xuất khép kín từ linh kiện cho đến sản phẩm hoàn thiện.
Trên thực tế, sau một thời gian đi vào hoạt động, SEV đã đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất pin, vỏ điện thoại, camera, LCD… để góp phần tự chủ hóa các loại linh kiện chủ yếu. Tất cả đều được sản xuất trên các dây chuyền hiện đại.
Chưa kể, hai dự án SEMV và Samsung Display (1 tỷ USD ở Bắc Ninh) khi đi vào hoạt động ổn định còn có thể cung cấp các loại vật tư, linh kiện quan trọng, như bản mạch điện tử, các loại màn hình có độ phân giải cao, bao gồm cả màn hình uốn cong…, mà trước nay Samsung ít khi đầu tư ở nước ngoài. Và mới đây nhất là dự án 3 tỷ USD chuyên sản xuất các loại vỏ kim loại phục vụ cho xu hướng mới đây của Samsung là sản xuất smartphone vỏ kim loại để cạnh tranh với các đối thủ khác. Đây là một trong những hoạt động đầu tư quan trọng để Samsung thực sự biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của mình. “Những dự án như vậy phải đầu tư trong một thời gian dài, có khi lên đến mấy chục năm. Điều đó chứng tỏ chúng tôi thực sự coi trọng điểm đến đầu tư Việt Nam”, ông Han Myoung-sup nói.
Trở thành đối tác chiến lược
Samsung, trong hành trình biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của mình, đã liên tiếp dốc vốn vào Việt Nam. Tháng 10/2014, nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, UBND TP.HCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Samsung CE Complex (SECC), với tổng vốn đầu tư lên đến 1,4 tỷ USD, cho Samsung. Khác với các dự án ngoài Bắc chuyên sản xuất điện thoại di động và linh kiện, SECC sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng công nghệ cao. Và cũng như “truyền thống”, dự án này dự kiến khởi công đầu năm 2015 để đến quý II/2016 có thể đi vào hoạt động.
Tính thêm dự án này, Samsung đã đầu tư tổng cộng 11,2 tỷ USD và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Chưa kể, còn một “đại kế hoạch” đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, đóng tàu, sân bay… mà Samsung đang thiết kế. Nếu tất cả đều trở thành hiện thực, khoản đầu tư của Samsung tại Việt Nam có thể lên tới 20 tỷ USD.
“Với Samsung, chúng ta nên đặt họ ở vị trí như một đối tác chiến lược quốc gia”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã hơn một lần đề xuất như vậy với hàm ý rằng, sự xuất hiện của Samsung sẽ không chỉ giúp tăng năng lực sản xuất, mà quan trọng hơn, tạo ra các trục ngành kinh tế và “kéo” Việt Nam lên một bước phát triển cao hơn.
Khi Samsung đầu tư lớn vào Việt Nam, không phải không có những ì xèo về việc cho họ được hưởng nhiều ưu đãi như vậy thì Việt Nam được lợi bao nhiêu.
Nhưng lợi nhiều chứ, nếu nhìn vào những gì họ đã và đang làm được. Từ chuyện mang vốn, công nghệ vào Việt Nam, rồi tạo công ăn việc làm, đến giúp thu hút nhà đầu tư vệ tinh để hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực điện tử, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D)… Không chỉ các chuyên gia kinh tế, mà cả các quan chức Chính phủ Việt Nam cũng đều thừa nhận như vậy.
Hơn 26 tỷ USD xuất khẩu của Samsung trong năm 2014 đã chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Và với nỗ lực tự đầu tư sản xuất linh, phụ kiện, đồng thời với việc lôi kéo đông đảo các nhà đầu tư vệ tinh vào Việt Nam, năm 2014, giá trị gia tăng mà Samsung mang lại lên tới 10 tỷ USD, cao hơn nhiều con số 7,6 tỷ USD của năm trước. Tỷ lệ nội địa hóa ở thời điểm này được Samsung công bố là 39%.
“Trong tổng số 156 nhà cung cấp cho chúng tôi, có 71 nhà cung cấp nội địa. Trong tương lai con số này sẽ tiếp tục mở rộng”, ông Lee Cheol-ku nói và cho biết, kể từ khi Samsung đến Thái Nguyên, rất nhiều nhà đầu tư đã đến xúc tiến đầu tư ở KCN Điềm Thụy (Thái Nguyên).
Trao đổi với Báo Đầu tư, cả ông Ngô Sỹ Bích, Trưởng ban Quản lý KCN Bắc Ninh và ông Phan Mạnh Cường, Trưởng ban Quản lý KCN Thái Nguyên đều bày tỏ sự hài lòng bởi sau khi có Samsung, hai tỉnh này đã trở thành “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư vệ tinh của Samsung đến. Mà không chỉ hai địa phương này, còn Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội… cũng thường xuyên nhận được các đề xuất xây nhà máy sản xuất linh, phụ kiện cho Samsung. Tổng vốn đầu tư của các dự án này lên tới hàng tỷ USD. Samsung thực sự đang góp phần quan trọng kích hoạt vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam.
“Đó là những tác động lan tỏa đối với kinh tế - xã hội Việt Nam mà không phải nhà đầu tư nào cũng làm được”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã nhấn mạnh như vậy. Chưa kể, theo Bộ trưởng, Samsung cũng đóng thuế không hề ít cho ngân sách quốc gia.
Và những con số biết nói
Có những con số thật thú vị khi chúng tôi tò mò về những hoạt động ngoài kinh doanh của Samsung. Này nhé, nếu tính cả hai nhà máy SEV và SEVT, mỗi ngày có 134.000 suất ăn miễn phí cho nhân viên. 14,8 tấn gạo; 19,8 tấn rau; 9,8 tấn thịt, cá các loại; 9 tấn dưa hấu và 21.150 quả trứng được tiêu thụ mỗi ngày. Samsung còn có tới 430 chiếc xe buýt để đưa đón người lao động. Vì đông nhân viên nữ, đa phần trẻ tuổi nên một tháng, ở Samsung Việt Nam, có tới 572 người… mang bầu, có nghĩa là có 19 nhân viên mang bầu/ngày. Và một ngày, các nhân viên của Samsung cần dùng tới… 4.600 cuộn giấy vệ sinh…
Đó là những con số biết nói về quy mô “công dân” của Samsung, và cũng là con số biết nói về những đóng góp to lớn của Samsung trong việc tạo việc làm cho người lao động Việt Nam.
Những con số này, rất thú vị cũng sẽ thay đổi rất nhanh bởi lượng nhân viên của Samsung đang “phình to” từng ngày. Chỉ cách đây hơn 1 tháng, con số được ước tính là khoảng 73.000 người, rồi 78.000 người và mới nhất đã là 81.600 người.
“Mỗi tuần chúng tôi tuyển thêm 1.500 nhân viên. 30% trong số nhân viên của chúng tôi là người dân tộc ít người”, ông Lee Cheol-ku cho biết.
Chợt nhớ một câu rằng, đưa một đứa trẻ từ nông trại vào nhà máy là bước đầu tiên để tiến tới công nghiệp hóa. Samsung đang thực sự có những đóng góp quan trọng để Việt Nam thực hiện được điều đó.
Nhưng công nghiệp hóa có thể chẳng phải là chuyện thực sự quan trọng với các nhân viên trẻ của Samsung. Chỉ nhớ một điều rằng, hôm tới SEVT, lúc đi thăm các dãy ký túc xá dành cho nhân viên được sơn đủ các màu sắc xanh, đỏ, vàng… rực rỡ, nhìn các phòng tập thể dục, căng-tin, rồi cả phòng hát karaoke, phòng xem tivi, phòng đọc sách…, thấy nụ cười của các cô gái Samsung thật rạng rỡ, thì hiểu rằng cả cuộc sống tinh thần lẫn vật chất của các em đã được chăm lo đầy đủ.
Nghe nói, làm ở Samsung, lương nhân viên trung bình được 6 triệu đồng/tháng, lại được hỗ trợ bữa ăn ca, được chăm sóc sức khỏe, lúc tham quan nghỉ mát, khi được mời gia đình tới tham quan nhà máy, phúc lợi xã hội tốt...
Dường như, cơ hội đổi đời cho những nam thanh, nữ tú Việt Nam vừa bước ra khỏi ruộng đồng đang bắt đầu...
Samsung, xin cảm ơn!
Có một câu chuyện được kể rằng, ông Shim Won Hwan, nguyên Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, trong một buổi đối thoại với sinh viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội hồi tháng 11/2014, thay vì bước lên sân khấu đã đứng ngay lối đi để trò chuyện và chia sẻ một cách chân tình và cởi mở với sinh viên Việt Nam về tầm nhìn và bí quyết thành công của Samsung. Đó là một trong chuỗi các sự kiện mà Samsung tổ chức với chủ đề “Cảm ơn Việt Nam”.
Đó là điều đáng quý và càng đáng quý hơn nữa khi ông Shim kể, ông và thực ra là Samsung không bao giờ cho phép sử dụng từ “công nhân” (workers) để chỉ những người lao động trong Công ty, mà tất cả đều được gọi là “nhân viên sản xuất” (operators). Không ít bạn trẻ đã rưng rưng cảm động vì điều đó, vì tính nhân văn ở một tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới.
Và một câu chuyện khác. Đầu tháng 11/2014, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đã tới SEVT để trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho công ty này. Một bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn. Nhưng sau khi nghe báo cáo về kết quả sản xuất - kinh doanh của SEVT thì ông bảo, ông không còn… “đủ bản lĩnh” để đọc bài phát biểu ấy nữa. “Bởi vì, những gì Samsung làm được thật tuyệt vời. Chúng tôi xin được thay mặt Việt Nam cảm ơn các bạn. Những gì Samsung đóng góp không bằng khen nào có thể ghi hết được”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đã nói thế.
Quả thật, những gì mà Samsung đã và đang làm được cho Việt Nam cũng đã đủ để không ít người Việt Nam có thể nói rằng: “Samsung, xin cảm ơn!”. Dù rằng, vẫn còn rất nhiều kỳ vọng mà Việt Nam đặt ở nhà đầu tư này.
(Nguồn:báo đầu tư)
0 Nhận xét
Post a Comment